lễ phép nghe, nhưng trong thâm tâm thì nghĩ: “Biết đâu mà lo xa đến tương
lai, hãy biết hiện tại đã”. Trách chúng làm ta buồn rầu ư? Chúng ngoan
ngoãn nhận rằng chúng “lỗi đạo làm con” đấy, nhưng chẳng vì vậy mà
chúng đổi ý.
Chúng thông minh, hiểu lẽ phải lắm, tử tế vui vẻ và tận tâm với bạn bè, tính
tình dễ thương, chỉ có mỗi một tật là làm biếng học.
Mà chúng cũng chẳng đau ốm gì. Có thiếu nghị lực không? Cũng không.
Nọa lực của chúng đủ chứng rằng chúng rất giàu nghị lực. Chúng có cố ý
làm ta buồn không? Cũng không. Vì chúng biết nhận lỗi. Mà sửa lỗi thì
nhất định không sửa.
Nhưng ta nhận rằng chúng chỉ làm biếng học thôi, còn những công việc tay
chân thì chúng rất thích, có khi có biệt tài nữa. Vậy đối với chúng, ta đừng
giam chúng vào ký túc xá, đừng kiếm thầy bắt chúng học thêm. Những cách
đó đều vô hiệu. Cứ để cho chúng học được bao nhiêu thì học và đồng thời
cho chúng tập nghề, làm theo sở thích của chúng. Biết đâu tập nghề ít lâu,
chúng chẳng thấy rằng làm nghề gì cũng vậy, không có một sức học chắc
chắn thì thua kém người, và lúc đó, chúng hăm hở học, hối hận đã bỏ phí
nhiều năm.
Nếu công việc tay chân mà chúng cũng không thích nữa thì chỉ còn cách là
đành vậy thôi và trông mong ở thời gian có thay đổi chúng không.
Kết
Chúng ta đã xét trên hai chục hạng học sinh làm biếng. Trong số đó chỉ có
hai hạng sau cùng (hạng trẻ bướng bỉnh muốn chống lại cha mẹ và hạng có
nọa lực là có lỗi). Vậy khi thấy trẻ học không có kết quả mà không xét
nguyên nhân, đổ lỗi ngay cho chúng, thật là bất công với chúng.
Tìm được nguyên nhân rồi lại biết kiên tâm dùng phương pháp xác đáng để
trị thì 10 trò làm biếng có thể sửa được tới chín. Muốn tìm nguyên nhân,