Xét chung thì nền tân giáo dục hiện nay, ngay ở Âu Mỹ cũng chưa được
mọi người công nhận, vẫn có một số người thủ cụu, bênh vực nền giáo dục
cổ truyền và chê tân giáo dục là tốn quá (như phương pháp Montessori), là
khó thực hành (như phải tùy theo cá tính, khả năng của mỗi trẻ mà dạy), là
thiên lệch (cho trẻ quá tự do); hoặc bỏ hết nền nhân bản cổ truyền (như
phương pháp Freinet).
Những lời chê đó đều có một phần đúng, về giáo dục, cũng như về mọi lĩnh
vực khác, khi muốn đạp đổ một chế độ mới thì bao giờ người ta cũng quá
khích một chút, có vậy mới mau thành công.
Nhưng công bình và sáng suốt mà xét thì ta phải nhận rằng tân giáo dục có
nhiều điểm hợp lý, hợp khoa học (như theo sát tâm lý, sinh lý, nhu cầu của
trẻ...) nên các nước Âu Mỹ đương tìm cách dung hòa nó với nền giáo dục
cổ truyền. Chẳng hạn ở Pháp, trong các trường Trung học có những lớp tân
đệ lục, tân đệ ngũ... để thí nghiệm phương pháp hoạt động trong giáo dục...
Và ta cũng nên nhớ điều này: bất kỳ hoạt động nào của loài người, vấn đề
người vẫn là quan trọng nhất, quan trọng hơn phương pháp nhiều. Phương
pháp hay tới mấy mà con người không tận tâm áp dụng hoặc áp dụng một
cách quá nô lệ thì kết quả cũng kém, có khi tai hại nữa.
Giáo dục không phải là trí dục. Sự luyện đức và tư cách của trẻ còn quan
trọng hơn trí dục: một người thiếu tư cách thì càng học rộng càng hại cho
đồng bào, nhất là trong những thời loạn như thời này. nhưng vì nhan đề
cuốn này, chúng tôi không thể bàn đến đức dục ở đây được; vậy xin hẹn với
các bạn một dịp khác.
Về chương này, nên đọc thêm những cuốn:
- Transformons l’école, của Ad. Ferriere, nhà xuất bản Delachaux et
Niestlé.
- L’école et l’enfant của J. Dewey, như trên.