Phương pháp Montessori chỉ để dạy các em lớp mẫu giáo; phương pháp
Decroly tiếp theo, dạy các em tới hết ban Tiểu học và trong ít năm đầu ban
Trung học.
• Ở Đức, Froebel lập ra những “vườn trẻ em” dạy trẻ làm nhiều việc bằng
chân tay và học ngay giữa thiên nhiên. Ông cũng theo thuyết trung tâm
hứng thú của Decroly.
• Ở Thụy Sĩ, Clarapède nghiên cứu trẻ thơ chủ trương giáo dục phải hợp
với mỗi trẻ như cắt áo phải đúng thước kích của mỗi người. Ông cải thiện
những đồ chơi của bà Montessori để trẻ vừa chơi vừa phát triển mọi khả
năng.
• Cũng như ở Thụy Sĩ, ông Adolphe Ferriere thu thập hết những kinh
nghiệm của các nhà khác, thí nghiệm lại, sửa chữa lại, tổng hợp lại.
• Ở Pháp, ông Alfred Bine, một tâm lý gia, nghiên cứu và lập ra các trắc
nghiệm để dò xét tâm lý và trình độ tinh thần của trẻ. Ông lập một hội để thí
nghiệm các phương pháp giáo dục mới. Ông chủ trương trẻ phải tập tự thích
ứng với hoàn cảnh ở chung quanh.
• Gần đây, ở Pháp, ông Freinet, mạnh bạo hơn hết, chỉ trích kịch liệt lối
dùng sách giáo khoa mà dạy trẻ. Ông muốn đầu óc trẻ không dính một vết
nào của nền giáo dục hiện thời, cho trẻ hoàn toàn sống giữa thiên nhiên, tự
nhận xét, tự rút kinh nghiệm, chép những nhận xét cùng kinh nghiệm đó lại
thành bài học, rồi tự in thành sách. Sách đó sẽ thay sách giáo khoa. Các
trường ở khắp nơi trao đổi lẫn sách cho nhau thành ra có tình đoàn kết,
tương ái chặt chẽ giữa học sinh trong nước. Như vậy trường học nào của
ông cũng phải có một máy in và một họp tác xã để mua vật liệu rồi xuất bản
sách đem bán hoặc đổi.
Chủ trương của ông có vẻ quá khích, ít người dám theo, trường Freinet có
lúc bị chính phủ ngăn cản đủ cách. Bạn hữu của ông đang tiếp tục cải thiện,
và truyền bá nền giáo dục táo bạo đó.