coi lại. Trẻ chép xong thì bạn phải xem lại ngay và sửa lỗi, nếu không, trẻ
sẽ ghi sâu vào óc hình ảnh những lỗi đó và viết sai hoài.
Tôi có cần dặn bạn chỉ lựa những sách viết trúng chính tả cho trẻ đọc
không? Biết bao lần tôi bực mình về những lỗi chính tả trên sách, báo. Tôi
vẫn biết sử dụng viết với s, mà đọc báo thấy nhan nhản những chữ xử dụng,
riết rồi quen mắt đến nỗi có lần viết chữ đó, tôi vô tình hạ bút cũng viết xử.
Từ đó, mỗi khi viết chữ sử dụng, tôi phải ngừng lại nhẩm: sử là sai khiến,
sai viết s thì sử cũng s.
Sách, báo in sai chính tả có hại cho người lớn chúng ta như vậy thì đối với
trẻ còn hại gấp mấy nữa.
• Những qui tắc trên có thể áp dụng được khi dạy ngoại ngữ, như tiếng
Pháp, tiếng Anh... Tuy nhiên, mỗi ngôn ngữ có nhiều đặc điểm thì cách dạy
cũng có chỗ khác; chẳng hạn học tiếng Pháp phải chú trọng nhất đến động
từ, đại từ là những phần khó học; học tiếng Anh thì cách phát âm quan hệ
nhất, khó hơn ngữ pháp nhiều.
Tôi không thể kể hết những đặc điểm đó ra đây, chỉ xin nhắc bạn:
- tập cho trẻ so sánh ngữ pháp của các ngôn ngữ cho dễ nhớ,
- khi dạy một động từ thì luôn luôn cho trẻ học cả một câu có động từ
ấy,
- bắt trẻ nói nhiều và viết nhiều, chứ chỉ chuyên học ngữ pháp và dụng
ngữ, không ích gì mấy.