chỉ mới tạt qua một lần, đã tan ra tro bụi! Như vậy thì để của cho con mà
làm gì? Có dư bao nhiêu, dùng hết vào sự học của trẻ bấy nhiêu là yêu
chúng đấy.
Rồi chúng ta lại nghĩ xa hơn: nước Việt Nam độc lập sẽ thiếu rất nhiều cán
bộ trong mọi ngành hoạt động, ta phải đào luyện con em để chúng lãnh nổi
nhiệm vụ giữ gìn non sông và kiến thiết quốc gia sau này.
Nghĩ vậy nên nhiều vị nhịn ăn nhịn tiêu cho con em ăn học. Tôi biết một vị
ở Lục tỉnh bỏ ra ba phần năm số lương để nuôi ba người con ăn học ở Sài
Gòn; một vị khác, ngày ngày bận chiếc áo vá vai, vá lưng, đạp chiếc xe máy
cũ, đi hớt tóc dạo trong những xóm lao động mà tháng nào cũng vậy, mỗi
mùng 1 mùng 2 đã đem đủ 600$ lại đóng tiền học cho hai người con ở ban
Trung học một tư thục nọ. Chưa bao giờ người cha Việt Nam hi sinh cho
con bằng lúc này.
Tuy nhiên, ta phải thành thực nhận rằng phẩm chưa được bằng lượng: học
sinh có đông mà sức học thì kém. Bằng cấp Tiểu học bây giờ không có giá
trị bằng bằng cấp Sơ học hồi 1930, và học lực một cậu tú hồi này không
hơn học lực một học sinh đệ nhị hồi trước.
Điều ấy cũng dễ hiếu: chúng ta không có đủ nhà giáo chuyên môn, sách
giáo khoa còn thiếu, lớp học thì quá đông, chương trình lại thay đổi hoài và
nhiều nơi, sự tuyển lựa học sinh không được kỹ lưỡng...
Phải diệt những nguyên nhân đó, rồi trình độ chung của học sinh mới tiến
lên được. Công việc ấy chưa thể thực hiện gấp mà cũng không thuộc quyền
của phụ huynh học sinh; nên chúng ta chỉ có cách là săn sóc sự học của
con em tại nhà để phụ lực với nhà trường, cho trẻ mau tấn tới.
Nhiều vị phụ huynh hiểu như vậy, dạy thêm hoặc mướn thầy dạy thêm mỗi
ngày vài giờ cho trẻ. Nếu trẻ đã lớn thì cho chúng học một lớp tối; những
lớp này, trong các đô thị lớn, mọc lên càng ngày càng nhiều.
Song săn sóc phải có phương pháp thì mới khỏi hại cho trẻ. Chẳng hạn, bắt