- Thật đáng mừng là ông Phân vụ trưởng đã lưu tâm đến chánh trị.
Một nhân vật như Mr Hoàng Quý Nhân thì có thể coi như hai bộ mặt. Còn
ông Chu thì là dân Trung Hoa hải ngoại, chẳng những thiếu diện mạo chính
trị mà còn tượng trưng cho cái gì ngược lại. Tôi cần một người Việt kế vị
thưa ông Warrens .
Ý kiến của vị giám đốc làm cho ông Phân vụ trưởng lúng túng. Kể ra
Boss thận trọng cũng phải lẽ. Mạnh mồm quảng cáo cho Chu Bội Ngọc vì
Warrens coi vụ mật đàm của Bảy Dĩ là một chiến tích lớn chưa từng có của
Viễn Đông vụ. Nắm được Chu không những để kiểm soát nội tình Việt
Nam mà còn nhìn nhận được ý đồ bành trướng của ông bạn đồng minh
chiến lược khổng lồ Á châu. Có thể gọi đây là một thành quả kép, mua một
được hai, bán một biếu một. Nhưng dù đã trổ hết tài thuyết khách, Warrens
vẫn không sao lay chuyển được điều kiện tiên quyết của vị giám đốc. Cuối
cùng khả năng duyệt chi mười triệu đô-la cho áp phe tuyệt mật này phải
tạm gác lại. Nhưng Boss cũng bỏ ngỏ cho một hướng đi để mà hy vọng.
Chừng nào Viễn Đông vụ chứng minh được tính hiệu lực liên tục của Chu
thì Langley sẽ cho mở tài khoản ngay tức khắc.
Thực ra tiến cử Chu, Warrens cũng không vô tư lắm. Ông ta biết rõ vụ
áp phe tình báo này Bảy Dĩ cũng có chút lợi ích. Dĩ lại là tay chân, là phụ tá
quan trọng bậc nhất của ông trong các vụ chuyển lậu Heroine. Đó là
"Hoàng Quý Nhân đệ nhị". Nhưng Dĩ chỉ thay Nhân được hai phương diện:
gián điệp và bạch phiến chứ không thể kế vị Nhân trong vai trò chính trị
được. Đây vẫn là một chỗ trống, một điểm khủng hoảng về tổ chức mà
Langley luôn luôn hối thúc Warrens phải tìm được người thay thế. Một bộ
mặt thuần chủng Việt Nam vừa là gián điệp vừa là chính khách sẽ nhanh
chóng được Langley chấp nhận.
Từ ngày làm lễ Xen-luyn kết ngãi. Chu Bội Ngọc không thấy mặt Dĩ.
Thám tử của lão báo cáo là Dĩ đã chuyển điện đài khỏi nông trường và
cũng không thấy trú ngụ ở ngôi nhà tồi tàn trên bờ sông Bến Nghé nữa.