tinh thần sâu sắc nhấn chìm anh trong trận ốm. Anh thấy cô đơn, tuyệt
vọng, yếm thế và đôi lúc đã nghĩ đến chuyện quyên sinh. Bác sĩ Jordan, anh
tôi, cùng ông luật sư già hàng ngày đến tham nom giúp đỡ anh.
Còn Hứa Quế Lan đẻ xong hơi béo ra, hồng hào trổ mã phây phây,
một vẻ đẹp dâm đãng và trơ trẽn. Chính những cái đó tạo ra cho chị ta một
sức quyến rũ lạ lùng. Khi đã hoàn toàn tự do, người đàn bà ấy trở nên kiêu
ngạo. Đến lúc này thì chính Hoàng Quý Nhân phải cúi đầu trước "quyền
lực" của chị ta. Quế Lan chuyển thành một nhà kinh doanh chứ không còn
là người vợ hiền nấp dưới bóng tùng quân nữa. Cái "gien" truyền thống của
người "Tàu hải ngoại" (Oversea chinese) bỗng trội lên ở tuổi này của chị ta.
Hoàng Quý Nhân thực sự muốn cưới Quế Lan. Tình yêu của viên thiếu tá
không đặt cơ sở trên sự trinh bạch, bởi lẽ y đã tước đoạt quá nhiều sự trinh
bạch rồi. Anh ta muốn có một sản nghiệp lớn, một chút "địa" cho tương lai.
Anh ta không thể "sê-li-bát-te" mãi được. Nhân biết ông Hứa Vĩnh Thanh
là một nhà kinh doanh nổi tiếng ở Chợ Lớn. Sự cấu kết giữa mật thám và
thương mại là một cuộc hôn nhân lý tưởng và hợp thời.
Mùa xuân năm 1962 đến với tin vui chúng tôi đã có đứa con trai.
Chúng tôi quyết định đặt tên cháu là Phan Quang Trung.
Dung viết:
"Con của chúng ta rất giống anh. Từ nay bên em đã có con, cũng đỡ
cho em những tháng ngày đơn lẻ. Nhưng chính vì thế mà em càng thêm
thương thớ anh...".
Anh tôi viết:
"Cháu Quang Trung rất ngoan. Cháu trở thành trung tâm, thành điểm
hội tụ niềm vui của gia đình. Em cứ yên tâm học hành. Dung và anh chị, cô
Kim và cả ông nữa, tất cả sẽ chăm sóc cháu"
.