Phòng chính trị sư đoàn đồng chí trợ lý cán bộ mới đưa cho tôi giấy tờ và
một bức thư nhỏ. Tôi mở ra đọc vội. Bức thư chỉ vẻn vẹn có mấy dòng:
Cháu Phan Quang Nghĩa.
Mẹ cháu ốm. Cậu xin phép cho cháu về thăm, tiện chuyến về Khu Ba
công tác. Cậu chờ cháu ở xóm Trung xã Hoàng Văn Thụ, Đại Từ - Thái
Nguyên. Cháu phải thu xếp nhanh, cậu sợ không kịp.
Cậu của cháu - Nguyễn Hữu Đức
11 tháng 6 năm 1954
Thì ra câu chuyện chỉ có thế. Tôi vừa mừng vừa lo cho mẹ tôi. Không
hiểu tại sao cậu Đức lại biết tôi hành quân về mà xin cấp trên cho tôi nghỉ
phép. Câu chuyện đơn giản thế mà đại đội lại không thông báo cho tôi rõ
ràng? Tại sao tôi lại phải mang toàn bộ tư trang và tấm giấy phép lại kèm
theo cả giấy chuyển cung cấp về P.46? Khi tôi chưa thể lý giải được những
sự kiện trên thì ký ức về người cậu họ lại dần dần tái hiện trong tôi lọc qua
những lớp bụi thời gian mờ ảo.
Cậu Đức là em họ xa của mẹ tôi. Là người có học hành đỗ đạt nên cậu
nổi bật trong số những người thân bên ngoại. Quê mẹ tôi ở xa nên từ nhỏ
tôi chỉ về thăm vài lần và cũng chưa được gặp cậu. Nhưng lần nào về tôi
cũng được nghe họ hàng nói về cậu. Mười hai tuổi đầu cậu đã học xong
những bộ sách chữ nho Luận ngữ, Mạnh Tử, Đại học, Trung Dung... dày
cộp mà nhiều người khác sôi kinh nấu sử từ thuở thiếu thời tới lúc vợ con
đàn đống mà vẫn chưa thông hiểu chữ nghĩa của Thánh hiền. Gia đình thấy
cậu sáng dạ và cái chữ Nho cũng đến thời mạt vận nên quyết định cho cậu
theo tân học. Nhà ông bà nghèo nhưng cả họ xúm vào giúp đỡ, cậu được ra
tỉnh theo việc đèn sách và cậu đã không phụ lòng cha mẹ. Tám năm sau cậu
kiếm được cái bằng "đíp-lôm", làm rạng danh tổ tông làng xóm. Cậu không
tiếp tục học nữa mà đi kiếm việc làm. Nhưng hình như cậu cũng không gặp