Căn cứ vào những suy đoán trên, Bộ chỉ huy đã phân công đồng chí
Nguyễn Hữu Đức đặc trách hướng tiến công chủ yếu: Tìm ra bộ sưu tập
của Hoàng Quý Nhân.
Tất cả những cuộc thẩm vấn liên tục ba mươi tám tên bị bắt ở mật cứ
An-pha không thấy được một đốm sáng nào về cái kho tàng bí mật của
Hoàng Quý Nhân. Ta đã cho kiểm tra một vài hướng nghi ngờ nhưng
không có kết quả. Về mặt tổ chức, y quả là một cao thủ. Tất cả những nhân
vật đến tham gia cái gọi là "Đại hội ra mắt quốc dân" chưa một kẻ nào có
được liên lạc trực tiếp với Hoàng Quý Nhân ở nội địa. Chúng chỉ được tiếp
xúc qua những nhân vật trung gian và bản thân những nhân vật trung gian
này cũng không được tiết lộ địa chỉ.
Một người bỗng nổi bật vai trò trong chiến dịch này là Đỗ Thúc
Vượng. Anh bị cha Vũ Xuân Trinh lôi kéo nhưng kẻ mời anh đi dự "đại
hội" lại không thông qua Trinh, thậm chí cha Trinh cũng chẳng biết có
chuyện này. Nhưng Bộ chỉ huy rất lưu tâm đến Vượng vì anh là người duy
nhất chứng kiến cái chết của Hoàng Quý Nhân và cuộc đối đầu giữa Nhân
và Phan Quang Nghĩa.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Đức định giao việc đến gặp Vượng cho
Trung tá Nguyễn Văn Bền nhưng rồi ông lại thay đổi ý kiến. Ông muốn tự
mình đi. Không phải ông không tin ở anh Hai Bền, nhưng Đỗ Thúc Vượng
có một cái gì đó hấp dẫn ông ngay khi họ gặp nhau lần đầu.
Từ sau cái "ngày thứ ba đẫm máu" đó Vượng trở về thành phố với một
tâm trạng dửng dưng đến kỳ lạ. Ngoài hai bữa ăn phải mò đến một bà hàng
quen thuộc, anh nằm khoèo ở nhà. Anh mở sách ra đọc nhưng không có
chứ nào lọt được vào đầu óc. Một thực tế khủng khiếp xảy ra ngay trước
mắt anh, tác động vào tâm lý anh mạnh mẽ.
Hoàng Quý Nhân là kẻ thù của anh. Điều đó thì không cần bàn cãi. Đã
bao lâu anh vào tù, ra tù theo cái lệnh của hắn, bao nhiêu bài báo của anh bị