Cuộc sống của ông cứ tiếp tục trôi qua như thế cho mãi đến năm 1974, năm
J. Grady công bố cuốn truyện đầu tay, làm chấn động dư luận: “Sáu ngày
của Condor”(1) (trong những lần tái bản sau này được đổi tên thành “Ba
ngày của Condor”). Cuốn tiểu thuyết đã đem lại cho tác giả danh tiếng ấy
lập tức được đạo diễn Mỹ có tên tuổi là Sydney Pollack đưa lên màn ảnh và
càng làm xôn xao dư luận.
Năm 1975, J. Grady cho ra mắt bạn đọc thiên tiểu thuyết thứ hai: “Cái bóng
của Thần Ưng”. Nhân vật chính ở đây vẫn là anh chàng Ronald Malcolm
quen thuộc mà một nhà phê bình đã từng tặng cho danh hiệu là “gã điệp
viên đáng mến và hấp dẫn nhất, nhưng đồng thời cũng lại là tên điệp viên
khó gặp và phi hiện thức nhất trong lịch sử tồn tại của cơ quan CIA”.
Ngay cả khi tác phẩm đầu tay đã có tiếng vang rộng khắp, J. Grady vẫn còn
nấn ná khá lâu mãi tại quốc hội Mỹ với chức vụ trợ lý của một hạ nghị sĩ.
Còn hiện thời, J. Grady đang làm thư ký riêng cho một nhà báo Mỹ lừng
danh. Ông chỉ sáng tác truyện trinh thám những khi rỗi việc. Các cốt truyện
trong sáng tác của ông thường xây dựng trên chất hiện thực. Những gì được
hư cấu hoàn toàn không phải nhằm mục đích “thêm nhưn thêm nhị” mà chỉ
là phương tiện để gắn kết các biến cố thực lại với nhau cho bố cục tác phẩm
được cân xứng, thật hài hoà.
Năm 1980, tác phẩm thứ ba của J. Grady ra đời: “Bắt lấy ngọn gió lành”.
Mùa xuân năm 1981, lại một tiểu thuyết hấp dẫn nữa của nhà văn, thiên
truyện thứ tư ra mắt bạn đọc: “Kẻ trốn chạy ngoài phố”.
Những biến cố trong “Sáu ngày của Condor” bắt đầu từ việc một nhân viên
trong một tiểu ban của CIA (gọi là “Hội Văn Sử”) phát hiện ra một vụ gian
lận về chứng từ, sổ sách, và muốn làm “sáng tỏ”, anh bèn viết một tờ trình
ngắn gởi lên cấp trên. Tờ trình rơi vào tay một “ông lớn” ở Tổng hành dinh
CIA.