đây, xảy ra sự trao đổi của các chất giữa dịch máu và tế bào của cơ thể. Đối với
côn trùng và các chân khớp khác, tim là một ống dài nằm ở mặt lưng. Khi tim
co bóp, nó sẽ bơm dịch máu vào các mạch, chảy vào các xoang. Khi tim giãn
sẽ thu dịch máu trở về tim qua các lỗ thông ở tim. Chuyển động của cơ thể làm
nén các xoang giúp cho sự tuần hoàn của dịch máu.
Trong hệ tuần hoàn kín (hình 2.9B), máu chỉ giới hạn trong các mạch và
cách ly với dịch mô. Hệ tuần hoàn kín có nhiều tim bơm máu vào trong một
mạch lớn, từ đó phân thành các mạch nhỏ phân bố vào các cơ quan. Các chất
khuếch tán từ máu vào dịch mô và vào tế bào. Giun đất, mực, bạch tuộc và tất
cả các động vật có xương sống đều có hệ tuần hoàn kín. Hệ tuần hoàn kín với
áp suất máu cao, do đó sự vận chuyển máu cung cấp chất dinh dưỡng cho nhu
cầu trao đổi chất cao trong các mô và tế bào của các động vật lớn hơn và hoạt
động nhiều hơn thì hiệu quả hơn. Ví dụ, trong các loài nhuyễn thể thì chỉ có các
loài mực và bạch tuộc hoạt động tích cực có hệ tuần hoàn kín. Mặc dù tất cả
động vật chân khớp đều có hệ tuần hoàn hở, nhưng những động vật giáp xác
lớn, như tôm hùm và cua, có hệ thống động mạch và tĩnh mạch cũng như có cơ
quan bơm máu phụ giúp duy trì áp suất máu. Các hệ tuần hoàn kín phát triển
nhất ở động vật có xương sống.