thể. Đối với cá, amonia được bài xuất ở dạng các ion amonium (NH4+) thông
qua biểu mô của mang, còn thận chỉ bài tiết một lượng nhỏ các chất dư thừa
chứa nitơ. Đối với cá nước ngọt, biểu mô ở mang thu nhận Na+ từ nước để thải
NH4+ giúp duy trì nồng độ Na+ trong dịch cơ thể cao hơn so với nồng độ Na+
ở môi trường ngoài.
b) Ure
Mặc dù sự bài tiết amonia ở động vật thủy sinh là bình thường, song lại
không thích hợp lắm đối với các động vật sống trên cạn. Vì amonia rất độc nên
nó chỉ được vận chuyển và bài tiết trong một lượng lớn dung dịch loãng, và đa
số các động vật sống trên cạn và nhiều loài sống ở biển (có xu hướng mất nước
ra môi trường do thẩm thấu) thường không có đủ nước để hòa tan amonia.
Ngược lại, các loài động vật có vú, đa số lưỡng cư trưởng thành, cá mập, một
số cá xương ở biển và rùa biển thường bài tiết ure, là một chất được tạo ra
trong gan thông qua chu trình trao đổi chất kết hợp amonia với cacbon dioxyt.
Hệ tuần hoàn vận chuyển ure đến cơ quan bài tiết là thận.
Ure là chất ít độc hơn amonia 100 nghìn lần, do đó cho phép động vật vận
chuyển và tích trữ ure một cách an toàn với nồng độ cao. Hơn nữa, các động
vật bài tiết ure có nhu cầu nước ít hơn so với các động vật bài tiết amonia vì
lượng nước mất đi khi bài tiết nitơ dưới dạng ure là ít hơn khi bài tiết dưới
dạng amonia.
Tuy nhiên, để bài tiết ure thì động vật phải tiêu tốn nhiều năng lượng để
chuyển hóa amonia thành ure. Những động vật vừa sống trên cạn vừa sống
dưới nước thì loại thải nitơ cả dưới dạng amonia (tiết kiệm năng lượng) và
dưới dạng ure (giảm sự mất nước do bài tiết). Thực tế, nhiều loài lưỡng cư
thường loại thải nitơ chủ yếu dưới dạng amonia khi chúng ở giai đoạn nòng
nọc và khi trưởng thành, sống trên cạn thì chúng lại bài xuất nitơ dưới dạng
ure.
c) Axit uric
Côn trùng, ốc sên cạn, nhiều bò sát, chim bài tiết nitơ chủ yếu dưới dạng axit
uric. Cũng giống ure, axit uric ít độc hơn. Nhưng không giống amonia và ure,