cùng khối lượng vì khi đi và chạy cần chiến thắng trọng lực nhiều hơn. Chuyển
động bơi ít tiêu phí năng lượng nhất. Động vật bay tiêu phí nhiều năng lượng
hơn động vật bơi và động vật chạy có cùng khối lượng. Động vật có khối
lượng cơ thể lớn chuyển động kém hiệu quả hơn so với động vật bé nhỏ. Ví dụ,
một con ngựa nặng 450kg tiêu thụ ít năng lượng trên một kg thể trọng hơn so
với con mèo nặng 4kg chuyển động cùng khoảng cách. Như vậy, động vật bé
tiêu thụ năng lượng cho chuyển động nhiều hơn động vật lớn.
4.4. TẬP TÍNH ĐỘNG VẬT
4.4.1. Định nghĩa tập tính
Tập tính ở động vật là chuỗi những phản ứng trả lời lại kích thích của môi
trường bên trong cũng như bên ngoài cơ thể, nhờ đó mà động vật tồn tại và
phát triển.
4.4.2. Các loại tập tính
Tập tính được phân biệt thành hai nhóm chính dựa vào các đặc điểm của tập
tính của động vật. Đó là tập tính bẩm sinh và tập tính thứ sinh (tập tính có được
do học tập trong đời sống).
a) Tập tính bẩm sinh là những hoạt động cơ bản của cơ thể động vật mà
ngay từ khi sinh ra đã có, không cần qua học hỏi và rèn luyện. Tập tính bẩm
sinh mang tính bản năng, được di truyển từ bố mẹ, không thay đổi và không
chịu ảnh hưởng của điều kiện và hoàn cảnh sống.
b) Tập tính thứ sinh là loại tập tính được hình thành trong quá trình sống do
học tập hoặc do có sự bàn giao/ảnh hưởng giữa các cá thể cùng loài. Đối với
các động vật với bậc tiến hóa càng cao thì loại tập tính này càng được thể hiện
nhiều.
c) Tập tính hỗn hợp
Ngoài hai loại tập tính kể trên còn có thể kể đến một loại tập tính khác. Đó là
tập tính hỗn hợp là sự phối hợp giữa tập tính bẩm sinh và tập tính thứ sinh. Ví
dụ, hoạt động rình mồi và phóng lưỡi bắt mồi của loài cóc là các tập tính bẩm
sinh, song hoạt động tránh con mồi (chẳng hạn như ong bò vẽ) lại là tập tính
thứ sinh.