4.4.3. Một số tập tính ở động vật và người
a) Tập tính ở động vật
- Tập tính kiếm mồi và săn mồi:
Các tập tính này chủ yếu là các tập tính thứ sinh, được hình thành trong quá
trình sống, học từ bố mẹ hoặc đồng loại, hoặc qua trải nghiệm của bản thân.
Đối với các động vật ăn thịt, hình ảnh, mùi của con mồi hay âm thanh do con
mồi tạo ra (như tiếng sột soạt của cành lá khi con mồi chạm phải, tiếng kêu của
con mồi) dẫn đến tập tính rình mồi, rượt đuổi con mồi để tấn công và vồ mồi.
Trái lại đối với con mồi, khi phát hiện ra kẻ thù nguy hiểm thì có tập tính lẩn
trốn, bỏ chạy hoặc tự vệ. Đối với động vật ở các bậc tiến hóa càng cao với hệ
thần kinh càng phát triển thì các tập tính càng phong phú và phức tạp. Để tồn
tại và phát triển, các động vật có nhu cầu tìm kiếm thức ăn nói chung và săn
mồi riêng. Đó cũng chính là các tập tính bảo đảm cho sự sống còn của các loài
động vật.
- Tập tính sinh sản:
Động vật cũng như mọi sinh vật khác chỉ có thể duy trì được nòi giống
thông qua sinh sản. Các tập tính sinh sản phần lớn là các tập tính bẩm sinh,
mang tính bản năng. Tập tính sinh sản thường bao gồm nhiều pha hoạt động kế
tiếp nhau, thể hiện dưới dạng chuỗi phản xạ. Phản xạ khởi đầu là do một kích
thích của môi trường ngoài như thời tiết (nhiệt độ, độ ẩm), ánh sáng, âm thanh,
v.v... tác động vào các giác quan (như thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác,
v.v...) hay do kích thích từ môi trường bên trong như tác động của các
hoocmon sinh dục gây nên hiện tượng chín sinh dục và chuẩn bị cho sự sinh
sản (hiện tượng ve vãn, khoe mẽ, tỏ tình, xây tổ, ấp trứng, chăm sóc và bảo vệ
con non ở nhiều loài chim).
- Tập tính bảo vệ vùng lãnh thổ:
Chiếm giữ và bảo vệ lãnh thổ là một biểu hiện tập tính quan trọng ở giới
động vật, từ các động vật bậc thấp đến các nhóm động vật bậc cao. Chẳng hạn,
các động vật thuộc lớp thú dùng các chất tiết ra từ tuyến thơm, nước tiểu, v.v...
để đánh dấu và xác định vùng lãnh thổ của chúng. Chúng chiến đấu với những
kẻ xâm phạm đến lãnh thổ của chúng bằng các trận giao tranh quyết liệt để bảo