Điều kiện hóa đáp ứng là sự hình thành mối liên kết mới trong hệ thần kinh
trung ương dưới tác động của các kết hợp kích thích đồng thời. Ví dụ, I. Pavlov
làm thí nghiệm vừa đánh chuông, vừa cho chó ăn. Sau một số lần phối hợp như
vậy, chỉ cần nghe tiếng chuông, chó đã tiết nước bọt. Sở dĩ như vậy là do hệ
thần kinh trung ương đã hình thành mối liên hệ thần kinh mới dưới tác động
của 2 kích thích đồng thời.
Điều kiện hóa hành động là hình thức học “thử và sai”. Đây là kiểu liên kết
một hành vi của động vật với một phần thưởng hoặc phạt và tiếp sau đó động
vật chủ động lặp lại các hành vi đó. Ví dụ, B.F. Skinner thả chuột vào lồng thí
nghiệm. Trong lồng có một cái bàn đạp gắn với thức ăn. Khi chuột chạy trong
lồng và đạp phải bàn đạp thì thức ăn rơi ra. Sau một số lần ngẫu nhiên đạp phải
bàn đạp và có thức ăn, mỗi khi thấy đói, chuột chủ động chạy đến bàn đạp lấy
thức ăn.
+ Học ngầm: Đây là kiểu học một cách không có ý thức, không biết rõ là
mình đã học được. Sau này, khi có nhu cầu thì kiến thức đó tái hiện giúp động
vật giải quyết được tình huống tương tự. Ví dụ, nếu thả chuột vào một khu vực
có rất nhiều đường đi, nó sẽ chạy đi thăm dò tìm hiểu đường đi lối lại. Nếu sau
đó, người ta cho thức ăn vào, con chuột đó sẽ tìm đường đến nơi có thức ăn
nhanh hơn nhiều so với những con chuột chưa đi thăm dò đường đi ở khu vực
đó. Còn đối với động vật hoang dã, những nhận thức về môi trường xung
quanh giúp chúng nhanh chóng tìm được thức ăn và tránh loài săn mồi.
+ Học khôn: Tập tính này là sự phối hợp các kinh nghiệm cũ để tìm ra cách
giải quyết những tình huống mới. Học khôn có ở động vật có hệ thần kinh rất
phát triển như động vật thuộc bộ Linh trưởng và người. Ví dụ, tinh tinh biết
cách xếp các thùng gỗ chồng lên nhau để lấy chuối trên cao. Các động vật có
xương sống khác không thuộc bộ Linh trưởng không có khả năng làm như vậy.
- Tập tính xã hội (tập tính sống bầy đàn):
Nhiều động vật như côn trùng, cá, chim, động vật có vú sống thành xã hội
trong đó có mối quan hệ giữa các cá thể và nhóm cá thể tạo nên tập tính xã hội.
Tập tính xã hội bao gồm nhiều loại tập tính như tập tính thông báo, tập tính thứ
bậc, tập tính vị tha, tập tính hợp tác, tập tính ích kỷ, v.v...