+ Tập tính thứ bậc: Trong mỗi bầy đàn đều có sự phân chia thứ bậc. Ví dụ,
trong mỗi đàn gà, bao giờ cũng có một con thống trị các con khác (con đầu
đàn), con này có thể mổ bất kỳ con nào trong đàn. Con thứ hai có thể mổ tất cả
những con còn lại, trừ con đầu đàn, và sau đó là con thứ ba, v.v...
Các đàn hươu, nai, khỉ, voi bao giờ cũng có con đầu đàn. Các con được xếp
vị trí cao nhờ vào tính hung hãn và thường thắng trận trong các trận đấu với
các con khác. Trong một đàn, các con đầu đàn giành quyền ưu thế hơn về thức
ăn và sinh sản.
+ Tập tính vị tha: Đây là tập tính hy sinh quyền lợi của bản thân, thậm chí cả
tính mạng vì lợi ích sinh tồn của bầy đàn. Ví dụ, ong thợ lao động cần mẫn suốt
cả cuộc đời chỉ để phục vụ cho sự sinh sản của ong chúa, hoặc khi có kẻ đến
phá tổ, chúng lăn xả vào chiến đấu và hy sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ
tổ.
b) Tập tính ở người
Cũng như các động vật khác, con người cũng có những tập tính bẩm sinh với
bộ não phát triển hơn hẳn bất kỳ động vật nào khác. Thông qua quá trình giáo
dục, học tập và rèn luyện, con người đã xây dựng được những tập tính mới,
những thói quen tốt và có khả năng ức chế, không thể hiện những tập tính bẩm
sinh không còn phù hợp với xã hội văn minh. Chẳng hạn như con người có thể
nhịn đi tiểu trong những hoàn cảnh tế nhị.
4.4.4. Cơ sở thần kinh của tập tính
Cơ sở thần kinh của tập tính là các phản xạ. Phản xạ thực hiện được là nhờ
cung phản xạ.
Khi số lượng các xinap trong cung phản xạ tăng lên thì mức độ phức tạp của
tập tính cũng tăng lên.
Các tập tính bẩm sinh là tập hợp các phản xạ không điều kiện, trong đó trình
tự của các phản xạ này trong hệ thần kinh đã được gen quy định sẵn từ khi sinh
ra. Nghĩa là cứ có kích thích thì các động tác xảy ra liên tục theo một trình tự
xác định. Tập tính bẩm sinh thường rất bền vững và không thay đổi.