trưởng thành thì không thể thực hiện được vì tính biệt hóa của chúng là
không thể đảo ngược.
Sự kiện tháng 2 - 1997, khi báo chí công bố con cừu Dolly ra đời bằng kỹ
thuật nhân bản vô tính với nhân lấy từ tế bào tuyến vú của cừu mẹ trưởng
thành 6 năm tuổi do ông I. Wilmut thực hiện tại Học viện Roslin ở Anh đã
gây tiếng vang lớn trong giới khoa học và cả xã hội về nhiều phương diện.
Sự thành công của Wilmut không chỉ nhờ có kỹ thuật thao tác phức tạp mà
chủ yếu là do có hiểu biết sâu sắc không chỉ về sinh học phân tử mà chủ yếu
về sinh học tế bào, về cơ chế điều khiển chu kỳ tế bào trong quá trình phát
triển.
Tiếp theo cừu là hàng loạt động vật có vú được nhân bản vô tính như
chuột, mèo, bò, lợn, dê, chó, v.v... và các nhà nhân bản vô tính tuyên bố sẽ
nhân bản vô tính cả con người.
Công nghệ nhân bản vô tính được ứng dụng trong chăn nuôi tạo giống vật
nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt về sản phẩm (thịt, trứng, sữa, len,
v.v...) đồng đều về tốc độ sinh trưởng, về thu hoạch sản phẩm, v.v... phục vụ
cho chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn, kết hợp với công nghệ gen tạo
giống vật nuôi chống chịu bệnh tật, thích nghi với điều kiện chăn nuôi, cũng
như sản xuất các sản phẩm đặc thù (thịt, trứng, sữa có chứa vacxin, chất
sinh trưởng, chất dinh dưỡng quý hiếm, v.v...).
Công nghệ nhân bản vô tính được ứng dụng trong y học để tạo các mô,
các cơ quan phục vụ cho liệu pháp cấy ghép mô cơ quan.
Công nghệ nhân bản vô tính người với mục tiêu sinh sản, tức là để sinh ra
một con người đã được nhiều nước và Liên hiệp quốc ngăn cấm vì có thể
gây ra nhiều hậu quả vi phạm đạo đức.
8.1.3. Công nghệ tế bào gốc
a) Tế bào gốc
Tế bào gốc (stem cells) là những tế bào có khả năng sinh sản và biệt hóa
cho ra các tế bào biệt hóa. Người ta phân biệt các tế bào gốc phôi và tế bào