có tế bào chất lớn và một thể cực II. Noãn tử sẽ phân hóa thành tế bào trứng
(oovum). Như vậy từ một noãn nguyên bào sẽ cho ra chỉ một tế bào trứng
chín đơn bội mà thôi. Các thể cực sẽ bị thoái hóa. Đối với một số động vật
có vú, tiền kỳ I kéo dài có khi đến hàng tháng hoặc nhiều năm (ví dụ ở
người có thể kéo dài đến trên chục năm). Trong thai bé gái từ khi còn trong
bụng mẹ, các noãn bào I đã đi vào tiền kỳ I và kéo dài đến khi dậy thì mới
kết thúc và khi trứng rụng vào ống dẫn trứng, nếu có thụ tinh với tình trùng
thì noãn bào II mới hoàn thành phân chia giảm nhiễm II (hình 8.5B).
8.4. SỰ THỤ TINH VÀ TẠO HỢP TỬ Ở ĐỘNG
VẬT
Thụ tinh là quá trình kết hợp hai giao tử đực và cái với nhau để tạo thành
hợp tử. Quá trình này có thể diễn ra ở bên trong hay bên ngoài cơ thể tùy
theo đặc điểm của các loài động vật khác nhau.
Quá trình thụ tinh có kèm theo sự khôi phục cơ cấu di truyền lưỡng bội
và hoạt hóa trứng cho sự phát triển tiếp theo. Kết quả của quá trình thụ tinh
là sự hình thành hợp tử.
8.4.1. Sự vận chuyển của tinh trùng
Đa số tinh trùng của các loài động vật có khả năng di chuyển trong môi
trường tự nhiên (thụ tinh ngoài), hoặc trong đường sinh dục của con cái (thụ
tinh trong). Sự vận chuyển của tinh trùng còn phụ thuộc vào các yếu tố như
môi trường thụ tinh hay sự hấp dẫn và hoạt hóa tinh trùng cùng loài của
trứng. Dưới đây là một số giả thuyết về sự di chuyển của tinh trùng:
a) Giả thuyết về sự dẫn dụ của trứng
Ở một số động vật có xương sống bậc thấp, trứng tiết ra một loại chất hóa
học mà nồng độ của nó có tác dụng lôi cuốn và hướng dẫn tinh trùng tới
trứng. Chẳng hạn ở cầu gai Arbacia punctulata, người ta đã phân lập được
một peptit gồm 14 axit amin, có khả năng dẫn dụ tinh trùng cùng loài đi
ngược gradient nồng độ mà nó khuếch tán trong nước biển cho đến khi gặp