chất là các enzym và tập trung ở thể đỉnh.
Ở động vật có vú, tinh trùng phải lách qua vài hàng tế bào của lớp hạt sát
với trứng, cũng như qua vùng sáng và màng noãn hoàng. Người ta cho rằng,
có thể có một enzym thuộc loại hialuronidaza chứa trong thể đỉnh đã giúp
cho tinh trùng xâm nhập vào trứng bằng cách phân giải và thuỷ phân
nguyên liệu gian bào gắn kết các tế bào của lớp hạt.
c) Tương tác tiếp xúc giữa trứng và tinh trùng
Sau khi tiếp xúc với màng trứng, tinh trùng bắt đầu xâm nhập vào bên
trong. Vị trí trên bề mặt của trứng nơi tinh trùng chọn để xâm nhập có thể là
bất kỳ, có thể là qua một nơi nhất định nào đó, hoặc là qua noãn khổng,
trong trường hợp có noãn khổng.
Cơ chế xâm nhập của tinh trùng vào trứng có thể theo hai cơ chế. Trước
hết đó là tác động cơ học nhờ vào các chuyển động thẳng và quay của tinh
trùng. Thứ hai là cơ chế hóa học, đây là cơ chế chủ yếu diễn ra như sau:
- Đầu tiên là sự hoạt hóa thể đỉnh nhờ sự tiếp xúc của nó với lớp keo bao
quanh noãn. Sau đó màng thể đỉnh (do sự biến đổi của phức hệ Golgi) kết
hợp với màng tế bào của tinh trùng làm giải phóng ra các enzym thuỷ phân
chứa trong thể đỉnh. Tác động của enzym này sẽ tạo một đường xuyên qua
lớp màng keo của noãn đến tiếp xúc với bề mặt noãn.
- Hình thành sợi thể đỉnh: Sợi thể đỉnh hình thành nhờ sự trùng hợp các
phân tử actin dạng cầu có trong thể đỉnh để tạo thành dạng sợi. Quá trình
trùng hợp hóa này xảy ra khi độ pH trong môi trường tăng lên nhờ các H+
được phóng thích từ đầu tinh trùng vào môi trường. Sợi thể đỉnh của tinh
trùng sau khi được tạo ra sẽ tiếp xúc với màng sinh chất của trứng và khi đó
xảy ra sự kết hợp giữa màng sinh chất của trứng với màng sinh chất của tinh
trùng. Ở cầu gai, phản ứng ferlitizin - antiferlitizin kích thích các Ca2+ đi
vào đầu tinh trùng gây vỡ và giải phóng chất chứa thể đỉnh. Sự đi vào của
Ca2+ gây sự đi ra của H+ và thay thế bằng Na+. Kết quả là làm tăng độ pH
trong đầu tinh trùng dẫn đến sự trùng hợp actin để tạo sợi thể đỉnh.