cá thể lưỡng bội bằng cách tự nhân đôi bộ nhiễm sắc thể đơn bội thành
lưỡng bội.
Đối với động vật có vú nói chung không xảy ra hiện tượng trinh sản. Hiện
tượng chửa trứng dạng bọc ở người (hydatidiform mole) có nguyên nhân là
do một tinh trùng thụ tinh cho một noãn đã bị mất nhân. Sau khi xâm nhập
vào noãn, nhiễm sắc thể của tinh trùng sẽ tự nhân đôi hình thành bộ nhiễm
sắc thể lưỡng bội. Nhưng tế bào noãn mang bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội này
lại không phát triển thành phôi mà thành một khối tế giống như tế bào nhau
thai.
8.4.5. Sự hoạt hóa trứng thụ tinh
Sau thụ tinh, hợp tử bắt đầu có sự hoạt hóa nhằm khởi động các bước
chuyển hóa tiếp theo trong quá trình phát triển sau này.
Trong tế bào chất của trứng có các nhân tố quyết định sự tạo hình
(morphogenetic determinants). Các nhân tố này sẽ được phân chia vào các
vùng tế bào nhất định trong quá trình phân bào và có khả năng hoạt hóa hay
ức chế một số gen đặc hiệu ở tế bào ấy, từ đó hình thành nên các đặc tính
biệt hóa riêng cho từng nhóm tế bào nhất định của cơ thể.
8.5. CÁC HÌNH THỨC THỤ TINH, ĐẺ TRỨNG,
ĐẺ CON
8.5.1. Tiếp hợp
Tiếp hợp (conjugation) có thể xem là hình thức sinh sản hữu tính sơ khai
chỉ có ở động vật đơn bào, ví dụ như ở trùng lông Paramecium. Bình
thường trùng lông sinh sản vô tính bằng nguyên phân, nhưng hai cá thể có
thể tiếp hợp với nhau và trao đổi vật chất di truyền chứa trong nhân cho
nhau. Sau đó, hai cá thể lại tách nhau ra rồi chúng lại tiếp tục sinh sản vô
tính. Như vậy qua tiếp hợp, hệ gen của hai cá thể “bố” “mẹ” đã được tổ hợp
lại. Đối với cơ thể bậc cao như thực vật và động vật, sinh sản hữu tính xảy
ra bằng hình thức thụ tinh là sự kết hợp giao tử đực và giao tử cái để tạo nên
hợp tử mang hệ gen tổ hợp từ hệ gen của “bố” và hệ gen của “mẹ”.