của cytocrom, protein có vai trò trong chuỗi chuyền electron của lục lạp và
ty thể. Nhu cầu của cây về nguyên tố vi lượng là rất ít, ví dụ hàm lượng
molipden trong nguyên liệu khô của cây so với hydro chỉ là 1 nguyên tử
molipden/60 triệu nguyên tử hydro. Tuy nhiên nếu cây thiếu molipden hoặc
các nguyên tố vi lượng khác cây sẽ bị yếu hoặc bị chết.
b) Các triệu chứng khi cây thiếu hụt chất khoáng
Triệu chứng biểu hiện khi cây thiếu hụt dinh dưỡng khoáng tùy thuộc vai
trò của chất khoáng bị thiếu.
- Thiếu magie là nguyên tố cấu tạo nên clorophyl sẽ làm lá bị vàng, được
gọi là bệnh vàng lá. Tuy nhiên biểu hiện triệu chứng nhiều khi là gián tiếp.
Thiếu sắt cũng gây nên vàng lá tuy clorophyl không chứa sắt, nhưng sắt là
cofactor cần thiết cho enzym tham gia xúc tác tổng hợp clorophyl.
- Tốc độ vận chuyển của chất khoáng trong cây cũng gây nên nhiều ảnh
hưởng triệu chứng. Đối với bộ phận già (các mạch dẫn bị rắn chắc do sinh
trưởng thứ sinh) sự vận chuyển chất xảy ra tương đối chậm hơn so bộ phận
non, do đó biểu hiện triệu chứng nhanh hơn rõ hơn. Ví dụ magie vận chuyển
tương đối nhanh trong cây do đó nhanh chóng cung cấp cho lá non, còn lá
già được cung cấp chậm, vì vậy khi thiếu hụt magie thì các lá già bị vàng
trước tiên. Trái lại, thiếu hụt các nguyên tố vận chuyển chậm thì các bộ
phận non bị ảnh hưởng trước tiên. Ví dụ, sắt là nguyên tố vận chuyển rất
chậm trong cây do đó khi thiếu sắt các lá non có biểu hiện vàng trước tiên
so với lá già.
- Thiếu hụt các nguyên tố nitơ, photpho và kali hầu như luôn xảy ra đối
với cây. Tuy nhiên còn tùy thuộc vào vùng địa lý mà cây mọc, vì đất ở các
vùng địa lý khác nhau thường có thành phần nguyên tố khác nhau.
Các nhà nông thường có nhiều kinh nghiệm thực tế để xác định các triệu
chứng do thiếu hụt dinh dưỡng khoáng gây ra. Ví dụ đối với cây ngô, khi
thiếu photpho thì bờ lá bị vàng đỏ, đặc biệt là các lá non. Khi thiếu kali thì
lá già bị “cháy” và khô bờ lá. Khi thiếu nitơ thì các lá già bị vàng kể từ mút
lá lan dần đến cuống lá ở phần giữa lá.