dl: diệp lục (ctorophyl) ở trạng thái gốc; dl*: diệp lục ở trạng thái kích
thích.
- Hệ quang hợp:
Hệ quang hợp được xem như đơn vị quang hợp có chức năng thu bắt
photon từ ánh sáng mặt trời, chứa trong màng tilacoit, bao gồm phức hệ
protein chứa các sắc tố được gọi là phức hệ thu bắt photon. Phức hệ thu bắt
photon bao gồm protein đặc thù liên kết với các phân tử sắc tố khác nhau
(clorophyl a, clorophyl b, và carotinoit).
Trong phức hệ thu bắt photon có chứa trung tâm phản ứng. Trung tâm
phản ứng là protein chứa 2 phân tử clorophyl a và chất nhận electron đầu
tiên. Phức hệ thu bắt photon đóng vai trò như giàn anten thu bắt các photon.
Khi một phân tử sắc tố thu nhận một photon thì năng lượng được chuyển từ
phân tử sắc tố này sang các sắc tố khác và cuối cùng chuyển vào cho 2 phân
tử chlorophyl a trong trung tâm phản ứng. Khi clorophyl a thu nhận photon,
electron của chúng bị giải phóng ra khỏi quỹ đạo. Bình thường nếu chúng ta
tách clorophyl khỏi lục lạp và để trong ống nghiệm thì khi chúng hấp thụ
photon, electron được giải phóng sẽ nhanh chóng trở về quỹ đạo và năng
lượng photon sẽ chuyển hóa thành nhiệt và phát quang. Nhưng trong trung
tâm phản ứng, electron được giải phóng không trở về trạng thái gốc ban đầu
vì chúng được chuyền cho chất nhận đầu tiên có trong trung tâm. Trong
màng tilacoit của lục lạp thường chứa 2 hệ quang hợp: hệ quang hợp I và hệ
quang hợp II sai khác nhau ở trung tâm phản ứng về clorophyl a và protein
liên kết với chúng. Trong hệ quang hợp II, clorophyl a có bước sóng 680nm
(được gọi là P680), còn trong hệ quang hợp I, clorophyl a có bước sóng
700nm (được gọi là P700). Chúng ta hãy xem xét cơ chế hoạt động của 2 hệ
quang hợp trong sự chuyển hóa năng lượng photon thành năng lượng tích
trong ATP và NADPH của pha sáng. Khi electron được giải phóng tùy theo
con đường chuyền của chúng qua chuỗi chuyền electron, người ta phân biệt:
dòng chuyền electron không vòng và dòng chuyền electron vòng.