Chương 4
MỘT KHI HOẠN THƯ ĐÃ NỔI GIẬN
NGHỆ THUẬT VỊ NHÂN SINH
NHỮNG SỰ CHẾ TẠO CỦA CUỘC ÂU HOÁ
Theo lời dặn của bà Phó tám giờ sáng hôm ấy, Xuân Tóc Đỏ lảng vảng không
dám vào hỏi, vì không dám chắc đấy có phải chính là hiệu Âu hoá của bà Văn
Minh không. Cái học thức của Xuân Tóc Đỏ chỉ đủ để hắn biên sổ thợ giặt chứ
chưa đủ để hắn đọc những chữ khó đọc như những kiểu chữ tân thời mà
những nhà nghệ sỹ chế kiểu hình như để cho không ai đọc được nữa. Lúc ấy,
người ta đương đóng những chữ tên hiệu. Năm miếng gỗ vuông kỳ quái màu
đỏ, mới khô sơn, còn bị vứt ở thềm hè. Một người thợ loay hoay dựng thang.
Một thiếu niên xắn tay áo lên một cách rất nghiêm trọng đứng đấy sai bảo
người thợ, thỉnh thoảng lại gắt mắng người này một cách cũng nghiêm trọng
chẳng kém.
Hiệu may này thật là choáng lộn đặc biệt. Ở tủ kính ngoài cùng có ba "hình
nhân" tạc bằng gỗ, chính là của Tây phương gửi sang, giống hệt mỹ nhân Tây
phương, song bị nhà chủ khéo léo đặt lên đầu những mẩu khăn vành dây hoặc
búi tóc đen cho có vẻ là phụ nữ Việt Nam. Mỗi chiếc ma nơ canh ấy phô trương
một kiểu áo. Nào là áo cổ bành bẻ cổ tay đuôi tôm để các bà các cô diện phố
xá. Nào là kiểu đi tắm để các bà các cô khoe cái mỹ thuật về xác thịt tại bờ
biển. Nào là kiểu quần áo trong phòng ngủ để phụ nữ có những thế lực nhắc
nhỏm cho chồng hoặc nhân tình đừng có sao nhãng cái nghĩa vụ tối thiêng
liêng của những bậc nam nhi.
Xuân rón rén lại gần chỗ có mấy chữ gỗ. Nó cố nghĩ cũng không sao hiểu nổi
năm miếng gỗ ấy là những chữ gì. Có một miếng gỗ tròn thủng một lỗ và một
miếng vuông thủng hai lỗ tròn ở giữa. Còn ba miếng nữa lại thuộc hình tam
giác, mả lại cũng có lỗ tròn ở giữa nữa, cái đó mới quái lạ cho chớ! Theo cái trí
não hạ lưu của nó, Xuân Tóc Đỏ, từ lúc lên sáu tuổi, đã biết rằng cái thẹo mà
giữa có một chấm thì chỉ là biểu tượng của một cái vật xấu xa, thế mà thôi. Nó
đương tủm tỉm cười một cách vô nghĩa lý thì chợt thiếu niên mắng người thợ:
- Đầu tiên là cái này! Không, cái tam giác cơ, khỉ lắm!
Người thợ ngơ ngác hỏi:
- Bẩm tam giác là cái gì ạ?