Trong khi Văn Minh lộ vẻ đắc chí thì bà khách bĩu môi đứng lặng im, hồi lâu
mới nói:
- Mặc bộ này thì... khó coi lắm!
Lúc ấy nhà mỹ thuật và nhà làm báo cũng đều nghe ngóng. Ông nhà báo nói
ngay:
- Dễ coi lắm thưa bà! Nếu bà mặc bộ này thì không còn một người đàn ông
nào lại không chạy theo bà như chạy theo những cô gái ngây thơ!
Nhà mỹ thuật thêm:
- Chinh phục! Tôi đã phải đặt tên là Chinh phục!
Bà khách lại nói:
-Quần với áo mà đến thế thì chả còn... che đậy gì được mấy tí.
Nhà mỹ thuật lại cãi:
- Thưa bà, những nguyên tắc về y phục đã thay đổi. Chúng tối mà có thể chế
ra kiểu này cũng là vì theo cái quan niệm y phục của các nhà thợ may lớn ở
Tây phương. Quần áo để tô điểm, để làm tăng sắc đẹp, chứ không phải để che
đậy. Bao giờ... bao giờ mà y phục tiến bộ đến cực điểm đi đến chỗ tận thiện
tận mỹ, thì nghĩa là y phục phải không còn... che đậy cái gì của người đàn bà
nữa!
Trước sự hoài nghi của bà khách, bà chủ phán thêm:
- Nếu bà có sợ mới quá thì bà cứ việc chờ những lúc ông Hàn nhà ta sắp đi
chơi là bà mặc nó vào rồi đứng soi gương trong nhà thì cũng đủ cho ông Hàn
nhà ta phải mê tơi.
Bà khách gật gù:
- Phải! Phải đấy! Dễ phải đến thế thì mới có công hiệu.
Văn Minh lại nói:
Thưa bà, hạnh phúc của gia đình có gì khác, nếu nó không là hạnh phúc của
vợ chồng? Nếu ái tình đến thời kỳ phai nhạt thì làm thế nào cho vợ chồng có
hạnh phúc?