lòng lắng tai nghe. Cũng như nhiều người phú quý có tiền cho con sang Tây
"học một cái chơi", cụ Hồng kính phục con cụ lắm. Sau những buổi cơm, cụ
thường đem chuyện con giai cụ ra làm món đét-se, mặc dầu con giai cụ chỉ là
ông Văn Minh. Cụ cũng tiu nghỉu ở chỗ con cụ không kiếm nổi mảnh văn bằng
nào, nhưng khi nghe con cụ cãi rằng: "Học thức không ở văn bằng. Những
người như Phạm Quỳnh hay Nguyễn Văn Vĩnh, mà khảo đến bằng, thì thành
ra vô học hay sao?" thì cụ lại được yên tâm. Ngoài ra cụ lại còn kính thờ con
cụ ở chỗ con cụ là một nhà cách mệnh trong vòng pháp luật vì làm như Văn
Minh đương làm, chính là cải cách xã hội một cách tha thiết mà có công hiệu,
mà lại không sợ tù tội hay mất đầu như những nhà cách mạng, những người
ngu dại mưu hạnh phúc cho đồng bào mà chẳng làm cho đồng bào được biết
cái gì là nhảy đầm, cái gì là y phục tối tân. Ngần ấy điều kiện đã khiến cụ
Hồng trung thành với ông con trai đã Pháp du của cụ cũng như trung thành
với nước Đại Pháp, và nhắm mắt tin theo văn minh chằng kém những người
hủ lậu và ngu dốt khác, những kẻ chẳng hiểu văn minh là cái quái gì. Cụ đã
xưng toa moa với con, hết sức hoan nghênh đủ mọi việc và đủ mọi cử chỉ Tây
Tầu của con cụ.
Bà Phó Đoan giơ tay cho cụ Hồng vịn mà đi vào. Sau khi rón rén ngồi xuống
ghế một cách lật đật như một cụ cố chính hiệu - có thứ cố chính hiệu cũng như
có thứ cố giả hiệu - cụ bèn hỏi:
- Thế toa đến đây từ bao giờ thế hở toa?
Con giai cụ đáp trống không:
- Lúc nãy.
-Moa đi tìm toa có việc cần. Cụ via nhà ta dễ sắp... về. Bây giờ tưởng đã đến
lúc tìm một vị y khoa bác sĩ để trước khi cụ via chết, cụ via cũng được hưởng
một chút khoa học Thái Tây...
Bà Phó Đoan sửng sốt hỏi:
- Thưa cụ, cụ tổ nhà đau ra làm sao ?
Cụ Hồng lại ho khạc một hồi dài, rồi mới thủng thỉnh đáp:
- Nặng lắm! Bà tính: đã hơn tám mươi tuổi mà còn cứ sống mãi.
Vợ Văn Minh giẩu mỏ nói:
- Sống như vậy thật là trái lẽ tạo hoá.