gắng, phải nói 1. Trong tình hình đó, ta phải cố gắng, hay 2. Tình hình đó
đòi hỏi ta phải cố gắng.
Mặt khác, học sinh cần phân biệt thật rõ những động từ có thể khuyết
chủ ngữ và những động từ vô nhân xưng với những động từ cần có chủ ngữ
(chủ ngữ đó chính là cái mà học sinh trình bày thành một trạng ngữ).
Theo thống kê của chúng tôi, những lỗi về cách dùng câu có trạng ngữ
đặt ở trước đặc biệt phổ biến và dễ mắc trong những câu tương đối dài, và
nhất là khi chính cái trạng ngữ hữu quan làm thành một cụm từ phức hợp
trong đó có nhiều định ngữ, nhất là định ngữ làm thành mệnh đề. Chẳng
hạn trong câu:
“Đã đành rằng ai cũng sẽ chết, nhưng với một nhà thơ yêu cuộc đời, yêu
sự sống, yêu tình yêu, tuổi trẻ, yêu thơ ca, yêu bè bạn như vậy, giờ đây đã
thành người của thế giới khác rồi”.
Ta thấy có hai lỗi: thứ nhất là câu chưa hết (một nhà thơ như thế mà mất
sớm thì thế nào chứ?); thứ hai là từ với làm cho câu không còn chủ ngữ
nữa. Những lỗi này sở dĩ phạm phải là vì câu hơi dài và khi viết đến phần
cuối tác giả đã kịp quên mất mình đã viết cái gì ở phần đầu.
Do đó khi tập phân tích lỗi cũng như khi tập đặt câu, cần có một quá
trình tuần tự đi từ những câu ngắn như “với một nhà thơ trẻ như thế mà nay
đã mất rồi” kế đến là “Ai rồi cũng sẽ chết, nhưng một nhà thơ như thế mà
nay đã mất rồi” trong đó học sinh sẽ rất dễ nhận thấy lỗi và phân tích nó,
rồi tiến dần đến những câu phức tạp như câu đã dẫn trên kia, cho đến khi
nào học sinh phát hiện được một cách nhanh chóng và “máy móc” những
lỗi tương tự dù có bị che khuất dưới một mớ từ ngữ phụ rườm rà, và bản
thân họ khi viết văn dù có dùng nhiều từ ngữ rườm rà bao nhiêu cũng vẫn
nhớ được cái cấu trúc lõi của câu.