1. Thế nào là một lỗi ngữ pháp?
Ngữ pháp hiểu theo nghĩa rộng là cách tổ chức bên trong của ngôn ngữ.
Là một hệ thống dấu hiệu bằng âm thanh được dùng làm công cụ giao tế,
ngôn ngữ phải tổ chức các âm thanh như thế nào để một hệ thống đơn vị có
số lượng hữu hạn có thể kết hợp với nhau mà làm thành những tín hiệu
(những thông điệp, những phát ngôn) có số lượng vô hạn: Ngôn ngữ phải
cho phép con người nói ra bất cứ một ý gì mình muốn nói, kể cả những ý
chưa bao giờ có ai nói ra cả. Tính phức tạp và yêu cầu phát triển không
ngừng của xã hội đòi hỏi như vậy. Nhưng làm sao một tín hiệu chưa bao
giờ gặp, mà người bản ngữ mới nghe lần đầu vẫn hiểu được? Sở dĩ có thể
có được điều kỳ diệu đó là vì cái tín hiệu hoàn toàn mới ấy dùng toàn
những đơn vị mà người nghe đã biết sẵn, được kết hợp lại theo những quy
tắc mà người ấy cũng đã quen thuộc. Ngữ pháp, hiểu theo nghĩa hẹp, chính
là tổng số những quy tắc ấy.
Những quy tắc tổ chức các đơn vị thành tín hiệu (thành câu) được người
bản ngữ quy nạp ra một cách không tự giác từ những lời nói đã nghe được,
và dần dần, vào những năm cuối cùng của tuổi thơ ấu, họ đã có được một
hệ thống ngữ pháp hoàn chỉnh về cơ bản trong đầu, cho phép họ diễn đạt
được bất cứ ý nghĩ nào dưới một hình thức phù hợp với những tập quán
diễn đạt của toàn khối cộng đồng ngôn ngữ của họ. Đây là một thứ tri thức
ẩn mặc - không nói ra thành lời được - nhưng là một tri thức tuyệt đối. Về
nguyên tắc, người bản ngữ không thể nói sai ngữ pháp được, nếu ta không
kể những trường hợp nói nhịu nhầm mà xung quanh và ngay người vừa nói
nữa cũng nhận thấy ngay. Những quy tắc được trình bày trong các sách ngữ
pháp chính là đúc kết từ những tập quán nói năng của cả khối cộng đồng
những người bản ngữ.
Nhưng nếu thế thì tại sao lại có trường hợp được coi là một lỗi ngữ pháp
của người bản ngữ? Ở đây cần phân biệt rõ hai trường hợp rất khác nhau.