Ngôn ngữ vốn chuyển biến không ngừng. Không những từ ngữ, cách
phát âm, mà ngay cả ngữ pháp cũng chuyển biến theo thời gian, tuy chậm
hơn nhiều. Và trong những nguyên nhân quy định những sự chuyển biến
của ngôn ngữ có cả những “lỗi” của thế hệ sau trong khi hấp thu ngôn ngữ.
Những sự đổi khác đó ban đầu có thể bị thế hệ trước trấn áp quyết liệt.
Nhưng nếu nó phù hợp với xu thế phát triển của ngôn ngữ (chẳng hạn như
khi nói tạo nên một sự tiết kiệm quy tắc hay làm mất một sự thiếu cân
bằng), dần dần nó sẽ thắng và sẽ dành được địa vị chuẩn, nghĩa là sẽ được
mọi người coi như “đúng ngữ pháp” hơn cách nói trước kia, nay đã trở
thành “cổ”.
Trong những trường hợp như thế, nhà ngôn ngữ học không bảo thủ sẽ có
thái độ rộng rãi đối với hình thái mới và sẵn sàng chấp nhận nó sau khi đã
nghiên cứu nó kỹ về phương diện hiệu quả giao tế cũng như về phương
diện thống kê.
Mặt khác, trong quá trình chuyển biến, phát triển, một ngôn ngữ có thể
tiếp thu những từ ngữ, những kiểu nói, những cách đặt ngôn ngữ khác,
nhằm làm cho mình dồi dào phương tiện hơn. Thường thường, những sự
tiếp thu này, trong thời gian đầu chỉ liên quan đến những khu vực “văn
hóa” của ngôn ngữ, nghĩa là chỉ thấy có trong văn khoa học, tôn giáo, triết
học, v.v., cho nên quần chúng trung bình còn bỡ ngỡ khi nghe hay dùng
những cách viết hay nói như vậy. Và vì không mấy khi sử dụng được cái
cảm thức vốn có của mình để xử lý những cách nói như vậy, người bản ngữ
trung bình (nhất là khi còn ít tuổi hay chưa có trình độ văn hóa cao) không
quy nạp được những quy tắc chi phối cách cấu tạo của những câu ít quen
thuộc đó, cho nên khi tự mình đặt câu theo kiểu mới tiếp thu được, họ có
thể sai. Những kiểu câu không phải du nhập từ tiếng nước ngoài, những thể
loại văn nhất định hay ngay cả những kiểu câu chỉ dùng trong văn viết chứ
không dùng trong khi nói chuyện bình thường cũng có thể bị dùng sai như
vậy nếu không có sự hướng dẫn và luyện tập đầy đủ.