được một cách chính xác, trong sáng và độc đáo những ý nghĩ của chính
mình. Vì quá ít thì giờ chấm bài, nhiều giáo viên chỉ lướt qua bài tập xem
có mặt đủ những công thức cần thiết (những câu, những ngữ đoạn có sẵn
trong các văn kiện được dùng làm mẫu) hay không; nếu đủ thì cho điểm
cao, mặc dầu bài tập chỉ là một chuỗi những công thức như thế được ghép
lại một cách máy móc; còn nếu không thấy có những công thức như thế thì
cho điểm thấp, mặc dầu bài tập là một văn bản lưu loát, chững chạc và đầy
những ý nghĩ, tình cảm chân thành và được diễn đạt một cách độc đáo, mới
mẻ. Dần dần, học sinh chỉ lo nhớ mẫu, không nghĩ đến nội dung, cho nên
trong khi bắt chước những cách hành văn không mấy quen thuộc, họ có thể
nhớ nhầm, chắp kết cấu này vào kết cấu khác một cách thiếu suy xét, viết
thành những câu đầu Ngô mình Sở.
Vì vậy trong các bài tập sử dụng các kiểu câu hay sai, chúng tôi có chú ý
đến việc tập cho học sinh diễn đạt một ý bằng nhiều cách khác nhau, nhất
là những cách diễn đạt có vẻ như giống nhau nhưng có những điều kiện sử
dụng khác nhau mà học sinh dễ lẫn lộn.