2. Câu có trạng ngữ đặt ở đầu
Câu có trạng ngữ đặt ở đầu vốn là một kiểu câu thông dụng trong tiếng
Việt. Cũng như khi được dùng ở vị trí khác, trạng ngữ ở vị trí đầu câu có
thể chỉ nơi chốn, thời gian, điều kiện, nguyên nhân, phương thức, trở ngại,
và cũng có thể cấu tạo bằng một giới ngữ (tổ hợp mở đầu bằng một giới
từ), một tính ngữ, một động ngữ, v.v.. Nói chung, bất kỳ trạng ngữ nào, đã
có thể dùng ở phía sau động từ hay ở một vị trí khác trong câu, thì đều có
thể dùng ở đầu câu. Có chăng chỉ trừ những trạng ngữ phương thức mở đầu
bằng một cách, chỉ dùng sau động ngữ.
Dĩ nhiên, về phương diện cú pháp, khi đặt ở đầu câu, trạng ngữ vẫn giữ
chức năng trạng ngữ, nhưng về phương diện nội dung thông báo, ở vị trí
này trạng ngữ có cương vị đề (hay chủ đề) của câu, và do đó dễ bị lẫn lộn
với những thành phần khác của câu có cương vị chủ đề, nhất là chủ ngữ.
Khi đã nhầm trạng ngữ với chủ ngữ, họ sẽ dùng sau trạng ngữ đó những
động từ không phải là động từ vô nhân xưng, nghĩa là những động từ đòi
hỏi một chủ ngữ như cho, làm cho, cho phép, đòi hỏi, khiến v.v..
Mặt khác, nếu trạng ngữ đặt ở đầu câu là những giới ngữ hơi dài và hơi
phức tạp, nhất là khi giới ngữ này mở đầu bằng một động từ dùng như giới
từ, chẳng hạn như qua, đến, về, thừa, nhận, hoặc khi trung tâm trạng ngữ là
một động từ không có chủ ngữ hoặc một mệnh đề mà chủ ngữ là một danh
từ chỉ một bộ phận của vật hay người được biểu thị bằng chủ ngữ của câu,
chẳng hạn như trong tay cầm sách, anh bước vào phòng, học sinh dễ nhầm
trạng ngữ với một câu (một mệnh đề độc lập) và do đó có thể dùng những
liên từ không đúng chỗ.
Nói một cách vắn tắt, tất cả cái cơ chế của những lỗi ngữ pháp trong
cách dùng câu có trạng ngữ đặt ở đầu chỉ có thế. Tuy nhiên, có một vấn đề
lý luận cần bàn thêm chút ít.