Cầu Hiền Lương năm 1961.
Vì là “đầu cầu giới tuyến”, để thể hiện tính “ưu việt” của chế độ miền
Bắc xã hội chủ nghĩa nên Vĩnh Linh được Nhà nước ưu tiên rất nhiều thứ.
Dân có phiếu vải cung cấp mỗi người 5 mét một năm như cán bộ công nhân
Nhà nước, được phân phối xe đạp theo giá “cung cấp”. Vì thế mà dân Hồ
Xá nhiều người có xe đạp Thống Nhất đi trên đường. Đồng ruộng lúc nào
cũng máy cày đỏ chót chạy suốt ngày đêm. Từ đó cũng sinh ra chuyện vòi
vĩnh “Trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà”. Tức là thợ lái máy cày luôn được
Hợp tác xã đãi đằng, chăm sóc. Không đãi thì máy cày chạy chậm rì. Cả
ngày không xong thửa ruộng.
Từ những năm 60 – 70 thế kỷ trước, đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải
diễn ra những cuộc đấu trí “cân não”. Những cuộc đấu lí, đấu cờ, đấu loa,
cả màu sơn cầu cũng “đấu”, diễn ra từ năm 1954 cho tới khi hết chiến
tranh. Cuộc “đấu cờ” đầu giới tuyến kéo dài suốt 1.440 ngày đêm. Hễ bờ
Nam tăng cao cột cờ, mở rộng lá cờ thì bờ Bắc cũng tăng cao cột cờ, mở
rộng lá cờ. Cũng có những lúc, không đấu được với cờ của ta, Chính quyền
Sài Gòn đã cho rải bom nhằm đánh sập, làm rách cờ phía bờ Bắc. Cờ được
hạ xuống để vá và thay không biết bao nhiêu lần. Theo báo Dân Trí, “chỉ
tính riêng từ tháng 5/1956 đến tháng 10/1967, lần lượt 267 lá cờ Tổ quốc
đã được treo trên kỳ đài Hiền Lương”.