Trong ký ức tuổi thơ của tôi, quê ngoại là một miền quê trù phú, cây
trái tốt tươi, thơm phức bốn mùa. Đi chợ Hồ Xá với mạ, mạ kể cho tôi nghe
sự nguy hiểm của truông Nhà Hồ. Vì đoạn truông dài này là những vùng rú
rậm thường có bọn cướp ẩn náu trong rừng xông ra, sợ lắm. Mạ đọc ca dao:
“Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang/
Phá Tam Giang ngày nay đã cạn/ Truông Nhà Hồ nội tán cấm nghiêm...”.
Tôi nghe mạ kể cũng sợ lắm, hỏi mạ: “Sao gọi là truông Nhà Hồ?”,
“Sao gọi là chợ Hồ Xá?”. Mạ tôi không biết. Sau này tôi nghe bác sĩ Dương
Đình Châu, một bác sĩ da liễu rất giỏi ở Huế, một người từng du học ở Mỹ
trước năm 1975, am tường chuyện Đông Tây kim cổ, mới rõ sự tích những
cái tên này.
Theo bác sĩ Dương Đình Châu, tên địa danh Hồ Xá, truông Nhà Hồ có
từ thời Hồ Quý Ly vào thế kỷ XV (khoảng năm 1396 – 1400). Khi Hồ Quý
Ly không chống nổi giặc Minh xâm lược, phải bỏ tòa thành Nhà Hồ ở
Thanh Hóa chạy về phía Nam. Hồ Quý Ly cùng con trai là Hồ Nguyên
Trừng bị quân Minh bắt ở Hà Tĩnh đưa về Tàu. Một toán quân của Nhà Hồ
chạy vào phía Bắc sông Minh Linh (tức sông Hiền Lương ngày nay), họ lập
làng, thành dân khai khẩn ở đây. Cái làng họ lập đặt tên là làng Hồ, để kỷ
niệm một thời loạn theo Nhà Hồ. Rồi làng Hồ có tên Xã Hồ. Sau này gọi lại
là Hồ Xá. Truông Nhà Hồ là tên của lối chạy giặc nhọc nhằn, nguy khốn
của lính Nhà Hồ...
Tôi thấy giả thuyết này rất có lý. Điều này cũng cắt nghĩa vì sao trong
các gia phả tộc họ ở vùng này, tộc Hồ là một trong số ít những tộc họ thuộc
bậc tiền hiền, rất đông đảo ở huyện Vĩnh Linh. Giáo sư – Tiến sĩ Tôn Thất
Bình (Huế) cũng cho rằng, trước đây truông Nhà Hồ là một vùng đất rộng
bạt ngàn, cây cối um tùm, từng là sào huyệt của một băng cướp rất nguy
hiểm, ai đi qua đó cũng thường bị chúng bắt bớ, giết chóc để cướp của đòi
tiền mãi lộ. Thời bấy giờ có quan Nội tán triều Nguyễn là Nguyễn Khoa
Đăng, nổi tiếng thông minh. Biết được mối lo sợ của dân chúng, ông tìm