Tại Rastenburg, Tướng Hellmuth Stieff và cả Trung tá Bernhard
Klamroth, người biết rõ Behr từ trước chiến tranh, kéo anh ra một bên và hỏi
— “theo kiểu mật mã” - liệu anh có tham gia phong trào phế bỏ Hitler
không. Vì vừa mới nhận ra sự thật về sự lãnh đạo tai họa của Hitler, Behr
cảm thấy mình không thể một phát quay ngoắt lại. Klamroth hiểu anh,
nhưng dặn phải cẩn thận với Manstein. “Lúc trà dư tửu hậu thì ông ta chống
Hitler thật lực, nhưng cứ ngậm miệng ăn tiền. Nếu Hitler lệnh cho ông ta
quay trái hay quay phải, ông ta tuân lệnh răm rắp”.
Klamroth không nói quá. Với tất cả sự coi thường Fuhrer mà Manstein
phô ra với những người tin cẩn dưới quyền và trò dạy chó chào theo kiểu
Quốc xã, ông không hề muốn mạo hiểm địa vị của mình. Trong hồi ký, ông
dùng cái có thể gọi là luận điểm đâm sau lưng: một cuộc đảo chính có thể
dẫn đến, mặt trận thì vỡ ngay còn trong nước thì loạn lạc. Ông vẫn là một
phần của giới sĩ quan mà sự căm thù Bolshevik đã hun đúc từ những bạo
loạn và cách mạng năm 1918. Behr nghe theo lời khuyên của Klamroth và
cố giữ gìn khi trở lại Cụm Tập đoàn quân sông Đông.
Nỗi khiếp sợ Hitler của Manstein chẳng bao lâu sau đã lộ rõ. Những cuộc
thảo luận thẳng thắn giữa các sĩ quan của ông về trách nhiệm đối với thảm
họa Stalingrad khiến ông bất an đến mức phải ra lệnh cho Tham mưu trưởng
rằng “các cuộc thảo luận về trách nhiệm đối với các sự kiện gần đây phải
chấm dứt ngay” vì “chúng không thể làm gì để thay đổi thực trạng mà chỉ
gây hại bằng cách xói mòn tự tin”. Các sĩ quan còn bị cấm ngặt không được
bàn đến “nguyên nhân dẫn đến sự hủy diệt của Tập đoàn quân số 6” trong
thư từ cá nhân.
* * *
Fuhrer giờ đây đang muốn có, bất luận kết quả thế nào, một hình mẫu
người hùng cho nhân dân Đức. Ngày 15 tháng 11 ông thưởng thêm cho
Paulus Lá sồi vào Huân chương Chữ thập Hiệp sĩ và công bố 178 phần