viết trong thư rằng chỉ có thì giờ để “viết vội vài dòng”. Như một bác sĩ đã
nhận xét trong thư gửi cho bố, “Tâm trạng rất lẫn lộn. Một số thấy rất tồi tệ,
số khác thì nhẹ nhàng điềm tĩnh. Quan sát tính cách con người thật thú vị”.
Sự tương phản chính xem ra là giữa những người viết về nhà để thể hiện
tinh thần yêu nước với gia đình trước cái chết sắp đến và những người viết
xuất phát từ tình yêu. Số thứ hai này, không như các nhà ái quốc nồng nàn,
họ mở đầu lá thư cố làm sao cho thật dịu dàng: “Có lẽ thật lâu nữa anh mới
lại viết thư”.
Một thiếu tá von R. viết cho vợ: “Em luôn là điều đầu tiên và cuối cùng
anh nghĩ đến. Chắc chắn anh không từ bỏ hy vọng. Tuy nhiên mọi chuyện
nghiêm trọng đến nỗi không thể biết mình có còn gặp lại nhau nữa không.
Quân ta vẫn luôn làm được những điều không thể. Chúng ta không được
kém cỏi hơn họ”.
“Số phận” xem ra là từ ai cũng dùng. “Bố mẹ kính mến”, một hạ sĩ viết.
“Số phận quyết định chống lại chúng ta. Nếu bố mẹ nhận được tin con ngã
xuống vì nước Đại Đức, xin hãy cứng cỏi chấp nhận. Cuối cùng con xin để
lại vợ con của con trong tình yêu của bố mẹ”.
Những người trung thành hơn cả với chế độ thì nói nhiều đến danh dự
quốc gia và cuộc chiến vĩ đại hơn là vĩnh biệt gia đình. Họ viết về “cuộc
chiến định mệnh của dân tộc Đức”, trong khi vẫn một lòng một dạ tin rằng
“vũ khí của chúng ta và lãnh đạo của chúng ta vẫn cứ là nhất thế giới”.
Trong một cố gắng đem lại ý nghĩa cho tấn thảm kịch lố bịch, họ nâng mình
lên với ý nghĩ thế hệ mai sau sẽ coi họ là những người bảo vệ châu Âu khỏi
chủ nghĩa Bolshevik châu Á. “Đây là cuộc chiến hào hùng mà thế giới chưa
từng biết đến trong cái lạnh giá cỡ này”, một trung sĩ viết. “Những anh hùng
Đức bảo đảm cho tương lai của nước Đức”.
Những lá thư này không bao giờ được chuyển đi. Đại úy-bá tước von
Zedtwitz, trưởng nhóm kiểm duyệt thư chiến trường của Tập đoàn tăng số 4
đã được giao nhiệm vụ rà soát thư gửi từ Kessel Stalingrad để báo cáo về
tinh thần và cảm nhận về chế độ. Mặc dù báo cáo của anh ta đã cố tránh tỏ
ra chủ bại, thế nhưng Goebbels vẫn ra lệnh giữ lại số thư cuối cùng để đem