Quân. Còn Nhạc Nghị lại đi lại với nước Yên. Nước Yên và nước Triệu đều
cho Nghị làm khách khanh.
Nhạc Nghị chết ở Triệu.
5. Nhạc Can sống ở Yên hơn ba mươi năm. Yên Vương là Hỷ dùng kế của
tướng quốc là Lật Phúc muốn đánh Triệu, hỏi Xương Quốc Quân Nhạc
Can. Nhạc Can nói:
- Triệu là nước phải đánh với địch cả bốn mặt (10). Dân ở đấy quen việc
binh. Không thể đánh.
Yên Vương không nghe, đánh Triệu. Triệu sai Liêm Pha đánh, phá tan quân
của Lật Phúc ở Hao, bắt sống Lật Phúc, Nhạc Thừa. Nhạc Thừa lại họ hàng
với Nhạc Can.
Nhạc Can bèn bỏ trốn sang nước Triệu. Nước Triệu vây nước Yên. Nước
Yên lại phải cắt đất cho Triệu để giảng hoà, Triệu mới rút quân về. Vua
Yên hối hận không dùng Nhạc Can. Vì Nhạc Can đã ở Triệu, nhà vua bèn
gửi cho Nhạc Can, bức thư nói:
“ Trong thời của Trụ, Cơ Tử không được dùng, nhưng vẫn can gián mãi
không thôi, hy vọng nhà vua sẽ nghe mình. Thương Dung không được vua
nghe, thân mình bị nhục, mong chờ nhà vua thay đổi. Đến khi nước loạn,
lòng dân ly tán hướng về nước ngoài, các quan cầm quyền chính bỏ pháp
luật, hai người mới rút lui về ở ẩn. Cho nên mặc dầu chịu cái nạn của vua
Kiệt bạo ngược, hai người vẫn không mất cái tiếng là trung là thánh. Tại
sao ? Vì họ hết lòng lo lắng vậy. Nay quả nhân tuy ngu nhưng không tàn
bạo như vua Trụ, dân nước Yên tuy loạn nhưng không đến nỗi tệ hại quá
như dân nhà Ân. Trong nhà có lời qua tiếng lại không nên nói hết với làng
bên cạnh. Về hai điều trên, quả nhân không cho ông làm là đúng ”.
Nhạc Can và Nhạc Thừa oán vua Yên không nghe theo kế của mình, rốt
cuộc ở lại nước Triệu. Triệu phong Nhạc Thừa làm Vũ tướng quân. Năm
sau Nhạc Thừa, Liêm Pha vì Triệu vây Yên. Yên đem lễ hậu đến để xin
giảng hoà, sau đó quân Triệu mới về. Năm năm sau, Hiếu Thành Vương
nước Triệu mất, Tương Vương sai Nhạc Thừa thay Liêm Pha, Liêm Pha
đánh Nhạc Thừa, Nhạc Thừa bỏ chạy. Liêm Pha bỏ trốn sang nước Ngụy.