dùng. Thần ngu dốt cho rằng luật pháp của bệ hạ quá sáng suốt, thưởng quá
nhẹ, phạt quá nặng. Vả chăng, sở dĩ thái thú Vân Trung Ngụy Thượng
phạm tội là vì số thủ cấp báo công lên so với sự thực thiếu sáu cái (15). Bệ
hạ giao ông ta cho quan lại xét, truất quan tước bắt ông ta chịu khổ dịch
một năm. Cứ thế mà xét thì bệ hạ tuy có Liêm Pha, Lý Mục cũng không
dùng được. Thần quả thật là ngu, xúc phạm đến điều phải kiêng phải tránh,
tội đáng chết, tội đáng chết !
Văn Đế vui lòng. Hôm ấy sai Phùng Đường cầm cờ tiết tha Ngụy Thượng,
lại cho làm quan thú Vân Trung. Nhà vua lại cho Đường làm xa kỵ đô úy
coi các trung úy và quân lính đánh bằng xe ở các nơi.
Năm thứ bảy, Cảnh Đế lên ngôi, cho Đường làm tướng quốc nước Sở.
Đường xin thôi, Vũ Đế lên ngôi cầu người hiền tài, người ta cử Phùng
Đường. Lúc bấy giờ Đường hơn chín mươi tuổi, không thể làm quan được
nữa, nhà vua bèn cho con của Đường là Phùng Toại làm quan lang.
Toại tên tự là Vương Tôn, cũng là một kẻ sĩ ít có chơi thân với tôi (16).
3. Thái sử công nói:
Trương Công nói về bậc trưởng giả, giữ pháp luật không a dua theo ý nhà
vua (17). Phùng Công bàn về tướng súy thật thú vị làm sao ! Thật thú vị
làm sao (18)! Ngạn ngữ nói: “Không biết người ấy thì hãy nhìn bạn người
ấy”. Việc hai người bàn luận tán tụng có thể ghi vào sổ sách triều đình.
Kinh Thư nói: “Không thiên không đảng, đạo vua rộng rãi, công đảng
không thiên, đạo vua công bình”(19).
Trương Công, Phùng Công cũng gần được như vậy (20).
....................................................................
(1). Đình Úy là chức quan cao nhất về tư pháp.
(2). Chức coi cổng.
(3). Chức quan lo việc tiếp khách.
(4). Cầm đầu các yết giả.
(5). Chức quan coi cửa Tư mã.
(6). Mẹ của Văn Đế.
(7).Thận phu nhân người Hàm Đan.
(8). Ý nói động đến linh cữu.