dưới quyền mình thì cẩn thận như sợ làm tổn thương đến họ. Nghe người ta
có lời nói hay thì vội vàng lo tiến lên nhà vua. Kẻ sĩ và những người trưởng
giả ở Sơn Đông vì vậy đều khen ngợi Trịnh Trang.
Vua sai Trịnh Trang đi xem cửa sông Hoàng Hà. Trang xin năm ngày để
chuẩn bị hành lý, Nhà vua nói:
- Ta nghe nói Trịnh Trang đi nghìn dặm không mang lương, tại sao lại xin
chuẩn bị hành lý ?
Nhưng Trịnh Trang ở trong triều thường a dua phụ họa theo ý muốn nhà
vua không dám trình bày rõ ràng là đúng hay sai. Đến khi già, nhà Hán
đánh Hung Nô, chiêu hàng tứ di, thiên hạ hao phí nhiều, của cải dùng càng
thiếu. Trang tiến cử người và tân khách làm việc vận chuyển dưới quyền
đại nông lệnh, nhiều người ăn bớt của công. Tư Mã An làm thái thú Hoài
Dương tố giác việc ấy. Trang vì vậy bị tội, chuộc tội làm thường dân. Ít lâu
sau tạm quyền chức trưởng sử của thừa tướng. Nhà vua thấy Trang già nên
cho làm thái thú Như Nam. Được mấy năm thì chết trong lúc làm quan.
Trịnh Trang, Cấp Ảm lúc đầu vào hàng cửu khanh, người thanh liêm bản
thân lo gìn giữ trong sạch. Hai người này giữa chừng bị bỏ, nhà nghèo
khách khứa càng ít. Khi làm việc ở quận chết đi nhà không có của thừa.
Anh em con cháu Trang nhờ có Trang nên sáu bảy người lương đến hai
nghìn thạch.
2. Thái sử công nói:
Người hiền như Ảm và Trang thế mà khi có thế lực thì khách khứa đông
gấp mười lần, khi không có thế lực thì chẳng có một ai, nữa là người
thường ! Địch Công ở Hạ Quê nói: Lúc đầu Địch Công làm đình úy thì
khách khứa chật cửa. Đến khi bãi quan thì ngoài cửa có thể đặt lưới bắt
chim sẻ. Khi Địch Công lại làm đình úy, khách khứa muốn đến. Địch Công
viết mấy chữ lớn ở ngoài cửa: “Một sống một chết, tình bạn mới biết; một
nghèo một giàu, mới rõ lòng nhau; một hèn một sang, tình bạn rõ ràng”.
Câu đó cũng đúng với Cấp Ảm, Trịnh Trang. Thương thay !
........................................................
(1). Theo quan chế nhà Hán nếu ở địa vị từ 2.000 thạch trở lên thì sau ba
năm được cử một người trong số anh em ruột hay còn làm lang.