Tư Mã Thiên
Sử Ký Tư Mã Thiên
Du Hiệp Liệt Truyện
H
àn Phi(l) nói: “Bọn nho lấy lời văn làm rối pháp luật, bọn du hiệp lấy võ
lực phạm vào việc ngăn cấm”. Hai hạng này đều bị chê bai. Tuy vậy các
nho sĩ thường vẫn được đời khen(2). Còn đối với những kẻ dùng thuật(3)
để chiếm lấy chức tể tướng, công khanh, đại phu, giúp đỡ chúa đương thời
thì công danh ghi chép ở sử sách, điều đó chẳng phải nói. Kìa xem Quý
Thứ, Nguyên Hiến là những người ở nơi quê mùa, đọc sách, muốn một
mình giữ lấy đạo đức của người quân tử, vì nghĩa lý không chịu a dua theo
thời, thế mà người đương thời cũng cười họ. Cho nên Quý Thứ, Nguyên
Hiến trọn đời để nhà trống, lấy dây buộc cửa, mặc áo vải, ăn rau không biết
chán. Họ chết đã hơn bốn trăm năm mà học trò còn nhớ mãi không quên.
Nay bọn du hiệp, tuy nết không hợp với chính nghĩa nhưng lời họ nói ra thì
chắc chắn, việc họ làm thì quả quyết, đã hứa thì nhất định làm, không tiếc
tính mạng để cứu người ta khỏi nơi nguy khốn. Sau khi đã xông pha vào
nơi nguy hiểm để cứu người, họ lại không khoe tài, lấy việc kể ơn làm thẹn,
như vậy thì xem ra cũng có nhiều điều đáng khen. Vả chăng, việc hoạn nạn
người ta thường khi vẫn gặp.
Thái sử công nói:
Ngày xưa vua Thuẫn bị khốn ở kho, ở giếng(4), Y Doãn mang vạc thớt(5),
Phó Duyệt ẩn náu ở đất phó Nham(6), Lã Thượng bị khốn khổ ở Cức
Tân(7), Di Ngô, mang gông(8), Bách Lý Hề chăn trâu(9), Trọng Ni sợ hãi ở
đất Khuông, đói, mặt xanh như lá rau ở đất Tần, đất Thái(10). Những người
ấy đều là người mà kẻ học giả gọi là đạo đức nhân nghĩa, vậy còn gặp
những tai nạn ấy; huống gì những kẻ tài năng bậc trung mà ở về cuối thời
loạn lạc thì việc gặp tai họa còn nói làm sao cho hết. Tục ngữ có câu:
“Chẳng cần nhân nghĩa, hay không nhân nghĩa, cái gì có lợi cho ta là tốt”.
Vì vậy Bá Di(11) cho nhà Chu là xấu, chịu chết đói ở núi Thú Dương,
nhưng vua Văn Vương, Vũ Vương không phải vì thế mà bỏ ngôi vua.
Chích, Cược(12) hung bạo dữ tợn, nhưng đồ đảng của họ là ca ngợi mãi
mãi nghĩa khí của họ. Do đó mà xem “ăn trộm lưỡi câu thì bị chém, ăn