Dương Địch có Tiết Huống, ở huyện Thiểm có Hàn Nhụ nổi lên rất
đông(23).
4. Quách Giải là người đất Chỉ tự là Ông Bá, là cháu ngoại của Hứa Phụ
người có tài xem tướng. Cha Giải bị giết thời Hiếu Văn Đế vì du hiệp. Giải
người thấp bé, tinh ranh, hung hãn, không uống rượu. Lúc nhỏ tính nham
hiểm, tàn nhẫn, những kẻ không làm Giải vừa lòng bị Giải giết rất nhiều.
Giải liều thân báo thù cho bạn, chứa những người trốn tránh, phạm pháp,
còn việc cướp bóc là việc thường làm, cũng như việc đúc tiền đào mả
người thì không kể hết. Ông ta gặp may, lúc nguy khốn cấp bách thường
nhờ dịp đại xá mà được thoát.
Đến khi Giải lớn thì thay đổi tính nết, biết tự kiềm chế, biết lấy đức để báo
oán, cho người thì nhiều mà trông mong người thì ít. Giải lại càng thích
làm việc nghĩa hiệp hơn trước. Sau khi đã cứu tính mạng người ta, Giải
không khoe công, tuy cái lòng nham hiểm tàn ác ngày xưa đôi khi vẫn lộ ra
như cũ nếu gặp kẻ trợn mắt với mình. Những người tuổi trẻ hâm mộ việc
làm của Giải, liền báo thù ngay, không cho Giải biết(24).
Người con của chị Giải cậy thế Giải, uống rượu với người khách, cưỡng ép
người khách phải cạn chén mặc dù uống không nổi. Người kia giận, tuốt
gươm, đâm chết cháu Giải rồi bỏ trốn. Chị Giải giận nói:
- Người nghĩa hiệp như Ông Bá, mà để người ta giết con tôi không bắt
được thằng giặc sao?
Bèn vứt xác ở ngoài đường không chịu chôn, ý muốn làm nhục Giải. Giải
sai người dò biết nơi hung thủ ở. Hung thủ thế bí đành quay về trình bày tất
cả sự thực với Giải. Giải nói:
- Ông giết nó là đúng lắm, cháu của tôi làm bậy.
Bèn tha hung thủ, bắt tội người cháu, khâm liệm nó rồi chôn. Mọi người
nghe vậy đều khen Quách Giải là người nghĩa khí, lại càng theo Giải.
Khi Giải đi ra, ai cũng tránh. Riêng có một người cứ ngồi xổm mà nhìn.
Giải sai người hỏi họ tên anh ta. Những người khách muốn giết anh ta. Giải
nói:
- Ta ở trong làng xóm đến nỗi không được người ta kính trọng, đó là vì ta
không trau dồi đức hạnh, anh ta có tội gì đâu?