nhà xây dựng đường lối đối ngoại sau chiến tranh, lúc ấy là đại sứ ở
Moscow, vội vã trở về Washington trong chiếc máy bay ném bom B-24 để
báo động với Truman, nói với ông này họ có nguy cơ bị một “sự xâm
chiếm dã man của châu Âu” đe dọa. Để kiến thiết châu Âu thời hậu chiến
loại trừ được lực lượng Xô Viết và cắm chắc lực lượng Hoa Kỳ, Truman và
các cố vấn cần có sự hợp tác của nước Pháp. Họ muốn sử dụng các hải
cảng, sân bay và căn cứ quân sự của Pháp để chống lại cái gọi là sự đe dọa
của Hồng quân Stalin. Họ công nhận chế độ thực dân Pháp kiểu thế kỷ XIX
sẽ không thực hiện được trên thế giới thời hậu chiến. Về tinh thần họ cảm
thấy không thoải mái khi đồng lõa với việc Pháp trở lại Đông Dương và lo
lắng thấy nước Pháp sa vào một cuộc tranh chấp với thời gian và tốn kém
không có giới hạn. Tuy thế Truman thừ nhận quyết định của Roosevelt.
Tháng Năm năm 1945, bốn tháng trước khi chưa người nào biết ở Hà Nội
sẽ có chính phủ loại nào, ông cho Georges Bidault, bộ trưởng Ngoại giao
của De Gaulle biết Hoa Kỳ không bao giờ đặt lại vấn đề “dù ngầm ý, việc
Pháp thống trị Đông Dương”. Truman đã theo Roosevelt, để người Anh
đảm nhận việc người Pháp trở lại. Người Anh hoan hỉ làm việc đó, hy vọng
thuộc địa của họ được vững vàng.
Viên tướng Sư đoàn Anh Douglas Gracey đến Sài Gòn ngày 13 tháng
Chín năm 1945 với một lực lượng can thiệp hỗn hợp gồm người Gurkhas,
lính Ấn Độ và lính dù Pháp. Ông giải phóng những quân lính Vichy bị quân
chiếm đóng Nhật tước vũ khí và cầm tù trong tháng Ba sau bốn năm rưỡi
hợp tác. Ông tăng cường đội quân bằng cách sáp nhập 17.000 lính Nhật nên
việc giái giáp ở miền Nam Việt Nam chậm lại mấy tháng để có thể đánh
nhau với người Việt Nam với mục tiêu duy nhất “Khôi phục trật tự”. Đầu
tháng Mười những người lính Pháp khác đến, được chở trên những tàu Hải
quân Hoàng gia kèm theo chiến hạm Richelieu và khu trục hạm
Triomphant. Tướng Philipe Leclerc, người giải phóng Paris , bay đến Sài
Gòn để chỉ huy đội quân viễn chinh. Với những đội quân Ấn Độ và Nhật
giúp đỡ, ông đuổi quân Việt Minh ra khỏi thành phố và đi khá sâu vào đồng
bằng sông Cửu Long, chiếm Mỹ Tho vào ngày 25 tháng Mười. Mấy ngày
sau đó, Cần Thơ, tỉnh chính vùng đồng bằng cũng rơi vào tay quân Pháp.