quan lần tấn công thứ sáu thực tế chỉ còn tôi và 15 người mà phần lớn đã bị
thương. Chúng tôi xuống đồi theo cách những người Trung Hoa đã lên.
Trên đường tôi đếm được hơn 500 lính Trung Hoa đã chết trước vị trí
chúng tôi”.
Đúng là có thời kỳ John Vann chỉ huy đại đội Biệt kích của Quân đoàn 8
lúc anh ở Triều Tiên. Nhưng sự thất khác và còn hấp dẫn hơn truyền thuyết.
Trước tháng Mười một năm 1950 ít lâu, Vann đã hâm mộ một trung úy
23 tuổi, Ralph Puckett, may mắn được chỉ huy quân biệt kích của Quân
đoàn 8 phiên chế vào Sư đoàn 25. Puckett và Vann rất mến nhau vì cả hai
đều hơi điên khùng và say mê binh nghiệp hơn tất cả. Puckett quê ở
Georgia, tốt nghiệp West Point năm 1949, vừa ngây ngô vừa nhiệt tình.
Anh tình nguyện sang Triều Tiên ngay sau khóa huấn luyện nhảy dù ở Fort
Benning vì xem chiến tranh như một trận bóng đá. Anh chỉ sợ một điều là
chiến tranh kết thúc trước khi mình đến. Vann thích trêu chọc Puckett khi
anh này đến nhận tiếp tế. Puckett vẫn giữ một phần tinh thần West Point,
chơi trò sĩ quan chuyên nghiệp : chào theo điều lệnh, đứng nghiêm trước
một đại úy bình thường, nói vang mỗi lần trả lời một câu nói đùa.
Vann mỉm cười hỏi :
- Anh đã đi những đâu, Puckett, và lính biệt kích của anh còn làm gì
nữa ?
- Hành quân, thưa đại úy ! Cũng nụ cười ấy Puckett trả lời.
- Chuyện tầm phào, Vann đáp, các anh mất xác hết , thế thôi !
Đại đội biệt kích của Puckett, điều mong ước của Vann, được thành lập
mùa hè trước để xâm nhập và vô hiệu hóa quân lính Bắc Triều Tiên.
Puckett được chọn vì nổi tiếng thích đánh nhau và vì người ta đánh giá một
trung úy ở West Point ra táo bạo hơn một sĩ quan đã qua chiến đấu. Khi đại
tá chỉ huy hỏi anh có muốn chỉ huy một đơn vị biệt kích không, anh đã trả
lời :
- Thưa đại tá, tôi muốn là biệt kích suốt đời. Tôi làm bất cứ việc gì để
đạt được điều đó. Ông có thể cho tôi chỉ huy một trung đội hoặc chỉ là một
lính bộ binh thường, tùy ông.