trước, và đã để lại ở đấy quân lực Mỹ với một vị trí thống trị trên bán
đảo, một tình huống cũng không thể tiếp tục mãi mãi.
Trong khi đó, một Đại Trung Quốc đang nổi lên về chính trị và
kinh tế ở Trung và Đông Á và Tây Thái Bình Dương, với một chiều
kích hải quân đáng kể trong các vùng biển Đông và Nam Trung
Quốc, đồng thời nó còn tham gia vào những dự án xây dựng cảng
và di chuyển vũ khí trên vùng ven Ấn Độ Dương. Chỉ có những rối
loạn nội bộ về chính trị và kinh tế với một tầm cỡ nhất định mới có
thể làm thay đổi xu hướng bành trướng này của Trung Quốc. Nhưng
ngay phía ngoài những đường biên giới của không gian quyền lực
mới này, chắc sẽ có cả một dòng chảy những tàu chiến của Mỹ, với
đại bản doanh trong nhiều trường hợp có lẽ là ở châu Đại Dương,
được phối hợp với những tàu chiến của Ấn Độ, Nhật Bản, và những
quốc gia dân chủ khác, mà tất cả họ đều không thể cưỡng lại tầm
với của Trung Quốc, nhưng đồng thời đều buộc phải tính toán cân
đo với nó. Một vài quốc gia trong số này, do định mệnh, dường như
đều sẽ phải nhượng bộ trước Trung Quốc, nhưng tạm thời họ không
có lựa chọn thay thế nào ngoài việc cầm cự để tránh bị nó nghiền
nát. Với thời gian, lực lượng hải quân của Trung Quốc có thể trở
nên ít mang tính đánh dấu lãnh thổ hơn, khi nó gia tăng được sự tự
tin, và do vậy thậm chí nó cũng có thể được lôi kéo vào chính cấu
trúc liên minh này với những láng giềng của mình. Hơn nữa, như
nhà khoa học chính trị Robert Ross nhận xét trong một bài báo năm
1999 mà nay vẫn còn giá trị, hoàn cảnh địa lý của Đông Á khiến cho
cuộc đấu giữa Trung Quốc với Mỹ sẽ cân bằng hơn so với giữa Liên
Xô và Mỹ trước kia. Đó là vì sức mạnh hải quân Mỹ trong Chiến
tranh Lạnh không đủ để kiềm chế Liên Xô; khi đó cũng đang cần
dành cho khu vực châu Âu một lực lượng trên đất liền đáng kể.