duỗi thẳng ra giống như đuôi của một con rồng, xa tới tận Oxus,
Afghanistan và thung lũng sông Ấn,” Brown viết. W. Barthold, nhà
địa lý lớn của Nga vào thời chuyển giao thế kỷ XX, đã nói nhiều về ý
này, qua việc trình bày về một Đại Iran nằm giữa sông Euphrates và
sông Ấn, và xác định người Kurd và người Afghanistan thuộc yếu tố
Iran.
Trong số các dân tộc cổ đại của Trung Đông, nhà ngôn ngữ học
Nicholas Ostler đã viết, chỉ có người Hebrew và người Iran là “có
những văn bản và những truyền thống văn hóa đã sống dài lâu cho
đến thời hiện đại.” Tiếng Ba Tư (tiếng Farsi) đã không bị thay thế
bằng tiếng Arab, không như rất nhiều ngôn ngữ khác, và có hình
thức như ngày nay, cũng giống như chính nó hồi thế kỷ XI, ngay cả
khi nó đã tiếp nhận chữ viết của tiếng Arab. Iran có một tài liệu ghi
chép với tư cách là một nhà nước-dân tộc và nền văn minh đô thị
đáng kính nể hơn nhiều so với hầu hết các nơi trong thế giới Arab
và mọi nơi khác trong Khu vực Lưỡi liềm Phì nhiêu, bao gồm cả
vùng Lưỡng Hà và Palestine. Không có gì là nhân tạo, gượng ép về
Iran, nói cách khác là: chính những trung tâm quyền lực cạnh tranh
nhau bên trong chế độ tăng lữ của nó cho thấy một trình độ thể chế
hóa mang tầm phức tạp hiếm thấy đối với khu vực, điều mà người ta
chỉ thấy có ở Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. Giống như Trung Đông là một tứ
giác trung tâm của Hòn đảo-Thế giới (tức là toàn bộ đại lục Á-Âu và
châu Phi), Iran là bản lề của Trung Đông, như thể là trục xoay theo ý
tưởng của Mackinder đã trượt từ những thảo nguyên Trung Á đến
cao nguyên Iran, ngay ở phía nam. Không có gì là ngạc nhiên rằng
Iran đang ngày càng được Ấn Độ và Trung Quốc lôi kéo, tán tỉnh,
những nước mà hải quân có thể cùng với Hoa Kỳ chiếm ưu thế trên
các tuyến đường hàng hải của Á-Âu. Mặc dù Iran nhỏ hơn và ít dân