tái lập trật tự thế giới, và Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ minh họa tốt nhất.
Trong khi thế giới Hồi giáo còn thiếu sự gắn kết về chính trị, thì một
ý thức mang tính tập thể vẫn nổi lên nhờ có toàn cầu hóa. Thổ Nhĩ
Kỳ Hồi giáo đang vươn lên về sức mạnh, và cùng lúc đó, phần thế
giới nằm ngoài phạm vi của phương Tây đang tiến lên về mặt sức
khỏe, về tình trạng biết đọc biết viết và đô thị hóa, điều đó có khuynh
hướng làm gia tăng tầm quan trọng chính trị và kinh tế của các quốc
gia bậc trung như Thổ Nhĩ Kỳ, tức là những quốc gia có vai trò làm
động cơ cho sự phát triển này.
Người Turk đã đóng vai trò hàng đầu trong thế giới Hồi giáo suốt
gần 850 năm, kể từ chiến thắng của người Seljuk Turk chống
Byzantine trong trận chiến Manzikert năm 1071, cho đến sự thất bại
của đế quốc Ottoman trước quân Đồng minh vào năm 1918. Chỉ
trong tiến trình của thế kỷ vừa qua người Arab mới bắt đầu vươn lên
thống trị nền văn minh Hồi giáo. Trong thực tế, cho đến tận cuộc
cách mạng Iran năm 1978 và 1979, Iran gần như vô hình trong con
mắt người phương Tây, điều tương tự cũng xảy ra đối với 75 triệu
người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi diễn ra cuộc khủng hoảng
của hạm tàu hàng cứu trợ ở Dải Gaza. Sự kiện này đã xảy ra tại
thời điểm, khi người Thổ đã ủng hộ chương trình hạt nhân của Iran
bằng cách bỏ phiếu chống lại các biện pháp trừng phạt do Liên Hợp
Quốc đề xuất. Bỗng nhiên, dư luận phương Tây nhận ra rằng họ đã
từng tù mù trước thực tế địa lý của Thổ Nhĩ Kỳ.
Các cuộc nổi dậy chống lại chế độ chuyên quyền đang suy vi
của Bắc Phi và Trung Đông trong năm 2011 trước hết đã làm lợi cho
Thổ Nhĩ Kỳ. Đế quốc Ottoman đã cai trị Bắc Phi và phương Đông
suốt nhiều thế kỷ trong thời kỳ cận đại, và mặc dù sự cai trị của nó
mang tính chuyên chế, nhưng nó đã không bóp nghẹt đến độ để lại