khác tới mức chưa từng có. Như chúng ta đã thấy, trong những thập
kỷ tới sẽ có đường sắt, đường bộ và đường ống kết nối toàn bộ đại
lục Á-Âu với trung tâm xuất phát là Trung Á, đặc biệt là điểm trục
Afghanistan. Để duy trì một sự cân bằng nào đó trước một đại lục Á-
Âu thống nhất như thế, cần phải thành lập một đế chế của châu Mỹ
trải dài từ Bắc Cực của Canada đến miền rừng rậm của Trung Mỹ.
Không tiếp tục làm sâu sắc hơn những mối liên kết với Mexico và
Trung Mỹ, nơi có số dân tổng cộng bằng một nửa của Hoa Kỳ, sẽ có
thể phải chứng kiến Mexico và có lẽ cả một số nước láng giềng phía
nam của nó trượt dần vào một quỹ đạo ngoại giao và chính trị thù
địch trong một thế giới mà Á-Âu sẽ trở nên gần hơn bao giờ hết.
Cách thức để canh giữ một Venezuela thân Iran và những quốc gia
cực đoan khác có thể thỉnh thoảng xuất hiện ở Tây bán cầu là bao
bọc vùng Đại Caribe trong một khu vực tự do thương mại và di cư,
và tất yếu nằm dưới sự chi phối của Hoa Kỳ. Mexico và Trung Mỹ sẽ
cung cấp lao động trẻ cho Mỹ, nơi dân số đang già hóa. Những xu
hướng này đang trở thành hiện thực, và điều cần làm là khuyến
khích và tạo điều kiện cho chúng.
“Chiến tranh toàn cầu, cũng như hòa bình toàn cầu”, Nicholas
Spykman viết, “có nghĩa là tất cả các mặt trận và tất cả các khu vực
của thế giới đều phụ thuộc lẫn nhau. Không quan trọng là chúng
nằm cách xa nhau bao nhiêu, những thành tựu hay thất bại trong
khu vực này sẽ có tác động tức thì và quyết định đến những khu vực
khác.” Điều này giờ đây còn đúng hơn so với thời điểm năm 1944,
khi lời phát biểu này được công bố, và trong tương lai sẽ còn đúng
hơn nữa. Robert Strausz-Hupé nhận xét rằng “lịch sử của Hy Lạp là
cuộc đấu tranh cho sự sống còn trước những cuộc xâm lược có tính
chu kỳ từ phía châu Á.” Nhờ có sự phát triển của các phương tiện