Lớn lao là vì ý nghĩa cực kỳ quan trọng của nó về mặt quân sự chính trị đối
với diễn biến về sau của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, vì quy mô to lớn
chưa từng có và cũng vì số lượng các chiến dịch của các phương diện quân,
mà kế hoạch dự kiến tiến hành đồng thời hoặc tuần tự trước sau, có vẻ như
độc lập với nhau, nhưng lại liên quan với nhau một cách chặt chẽ, nhằm
thực hiện các nhiệm vụ chiến lược - quân sự chung và các mục tiêu chính
trị.
Hình thế mặt trận ở Bê-lô-ru-xi-a hồi đó là một mũi rất lớn nhô ra về
phía Đông, có diện tích gần 250 nghìn ki-lô-mét vuông, bao lấy Min-xcơ
bằng một vòng cung lớn. Mặt phía Bắc của nó quay về Vê-li-ki-ê Lu-ki;
mặt phía Đông từ phía Đức trông sang các tỉnh Xmô-len-xcơ và Gô-men;
mặt phía Nam kéo dài dọc sông Pri-pi-át.
Mũi nhô ra này treo trên cánh phải của Phương diện quân U-crai-na 1,
do đó là mối nguy cơ từ phía Bắc cho các đường giao thông vận tải của
phương diện quân này và tạo điều kiện thuận lợi cho bọn phát-xít phòng
ngự những con đường tiến đến biên giới Ba Lan và Đông Phổ. Vì vậy, bộ
chỉ huy Đức cố sức giữ vững vùng nhô ra đó bằng bất cứ giá nào và rất chú
ý tới việc phòng ngự nó.
Dải phòng ngự chính của địch chạy theo tuyến Vi-tép-xcơ – Oóc-sa -
Mô-ghi-li-ốp - Rô-ga-tsi-ốp - Giơ-lô-bin-bô-brui-xcơ. Các vùng Vi-tép-xcơ
và Bô-brui-xcơ, tức là hai bên sườn của cụm tập đoàn quân “trung tâm”,
được bố trí công sự đặc biệt mạnh mẽ. Trên các hướng Oóc-sa và Mô-ghi-
li-ốp cũng có một trận địa phòng ngự rất mạnh. Các tuyến phòng ngự cũng
được xây dựng trong chiều sâu chiến dịch - dọc theo các sông Đni-ép-rơ,
Brút và Bê-rê-di-na. Tất cả các công sự phòng ngự đều được xây dựng ăn
khớp với điều kiện địa hình rất thuận lợi cho việc phòng ngự như: sông, hồ,
đầm lầy, rừng.
Bọn Hít-le đã biến các thành phố lớn thành những đầu mối đề kháng
mạnh, được tăng cường bằng một hệ thống rất phát triển những hầm hào, ụ