giữa các phương diện quân và các quân chủng. Cả Gh. C. Giu-cốp, với tư
cách là phó Tổng tư lệnh tối cao, cả tôi là tổng tham mưu trưởng kiêm thứ
trưởng Bộ dân ủy quốc phòng, nhất là những đại diện khác của Đại bản
doanh đều không có quyền đề ra và thực hiện một quyết định nào mới về
nguyên tắc trong tiến trình chiến dịch, nếu như không được Tổng tư lệnh tối
cao đồng ý.
Hơn nữa, nếu đại diện của Đại bản doanh thấy cần thiết phải tăng cường
lực lượng cho một phương diện quân này nhờ vào phương diện quân khác,
thậm chỉ trong trường hợp chỉ cần một sư đoàn hoặc một binh đoàn chuyên
môn nào đó, thì người đại diện cũng không thể làm được việc đó nếu không
được phép của Tổng tư lệnh tối cao. Còn nếu có những ý định như vậy thì
thường tư lệnh phương diện quân - mà ở đây người ta muốn lấy đi một đơn
vị nào đó - lập tức gọi điện cho Xta-lin, phản đối và kêu ca rằng người ta đã
“cướp” của đồng chí đó. Đại diện Đại bản doanh cũng không thể tự mình
thay đổi, vì lợi ích của chiến dịch đang tiến hành, các đường ranh giới giữa
các phương diện quân đã được Đại bản doanh xác định.
Sự thay đổi chức năng của các đại diện Đại bản doanh diễn ra trong thời
kỳ chiến dịch Bê-lô-ru-xi-a, khi Đại bản doanh giao cho Gh. C. Giu-cốp
không những phối hợp hoạt động của các Phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a
2, Bê-lô-ru-xi-a 1 và U-crai-na 1, mà còn chỉ đạo trực tiếp các phương diện
quân đó. Còn tôi cũng được giao nhiệm vụ như vậy đối với các Phương
diện quân Bê-lô-ru-xi-a 3, Pri-ban-tích 2 và Pri-ban- tích 1. Do đó, khối
lượng công việc và cả trách nhiệm của chúng tôi, những người đại diện của
Đại bản doanh, đã tăng lên một cách đáng kể.
Sau khi được mở rộng quyền hạn, bản thân đại diện của Đại bản doanh
ra lệnh điều động những đơn vị cần thiết và mệnh lệnh đã được thực hiện.
Những vấn đề khác vì lợi ích của chiến dịch cũng được giải quyết đơn giản
như vậy.