Khi cần thiết, các đại diện của Đại bản doanh đã tích cực can thiệp vào
quá trình xây dựng kế hoạch của phương diện quân và phản đối việc xin
Đại bản doanh cho lực lượng dự bị bổ sung và những sự giúp đỡ khác khi
thực hiện ý đồ của Đại bản doanh. Tôi sẽ nêu ra dù chỉ là một ví dụ rất điển
hình trong thực tế công tác của mình.
Đó là vào mùa xuân năm 1944, trong thời gian chiến đấu giải phóng
Hữu ngạn U-crai-na và khi chuẩn bị chiến dịch giải phóng Crưm. Lúc đó tôi
vừa là tổng tham mưu trưởng, vừa là đại diện của Đại bản doanh có nhiệm
vụ phối hợp hoạt động tác chiến của các Phương diện quân U-crai-na 3 và
4. Như trên tôi đã nói, Đại bản doanh đã giao nhiệm vụ giải phóng Crưm
cho bộ đội của Phương diện quân U-crai-na 4 và tập đoàn quân độc lập Pri-
mô-ri-ê, Hạm đội Biển Đen, Phân hạm đội A-dốp và lực lượng du kích
Crưm.
Trên cơ sở nghiên cứu dường như kỹ càng lực lượng, cách bố trí và tình
hình phòng ngự của địch ở Crưm, tháng Hai năm 1944, bộ tư lệnh phương
diện quân và tôi ra quyết định về việc sử dụng những lực lượng và phương
tiện cần thiết của Phương diện U-crai-na 4 vào mục đích này, và cũng vào
thời gian đó, nó được Đại bản doanh phê chuẩn.
Tháng Ba, bộ tư lệnh phương diện quân và các tập đoàn quân đã bắt tay
vào việc thật sự chuẩn bị cho bộ đội để tiến hành chiến dịch này. Cuối tháng
Ba, Tổng tư lệnh tối cao ra lệnh cho tôi gặp nguyên soái C. E. Vô-rô-si-lốp
là đại diện của Đại bản doanh ở tập đoàn quân độc lập Pri-mô-ri-ê hoạt
động trên hướng Kéc-tsơ, để bàn kỹ với đồng chí đó về tất cả những vấn đề
liên quan đến việc hiệp đồng trong chiến dịch giữa Phương diện quân U-
crai-na 4 và tập đoàn quân độc lập Pri-mô-ri-ê.
Thời gian đó, tôi ở Phương diện quân U-crai-na 3 là phương diện quân
đang tiến hành chiến dịch tiến công Ô-đét-xa. Cuộc gặp gỡ của chúng tôi đã
diễn ra vào ngày 29 tháng Ba ở Cri-vôi Rô-gơ; theo chỉ thị của Tổng tư lệnh
tối cao, C. E. Vô-rô-si-lốp đã đáp xe lửa đi từ Ta-man đến đó.