mới bị đánh bại”. Mác-ác-tua cho rằng Mỹ và các đồng minh phương Tây
của Mỹ không có khả năng làm việc này, nên trước khi các nước đồng minh
họp Hội nghị Crưm, ông ta đã yêu cầu chính phủ của mình cần tập trung
mọi cố gắng để làm sao cho Liên Xô tham gia vào cuộc chiến tranh chống
Nhật. Trong bị vong lục đặc biệt của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân
ngày 23 tháng Chạp năm 1944 đã chỉ ra rằng cần làm thế nào để cho nước
Nga bước vào chiến tranh (chống Nhật Bản - A. V.) càng nhanh càng tốt, là
điều cần thiết để giúp đỡ nhiều nhất cho các chiến dịch của lực lượng vũ
trang Mỹ ở Thái Bình Dương.
Cựu bộ trưởng bộ ngoại giao Mỹ E. Xte-ti-ni-út, người đã tham gia Hội
nghị Y-an-ta, viết rằng trước khi họp Hội nghị Crưm, các tham mưu trưởng
Mỹ đã thuyết phục Ru-dơ-ven là Nhật Bản chỉ có thể đầu hàng vào năm
1947 hoặc chậm hơn, còn để tiêu diệt Nhật Bản thì Mỹ sẽ phải tốn tới một
triệu binh lính.
Do đó, các đoàn đại biểu Mỹ và Anh tới Hội nghị Crưm với quyết tâm
làm cho Liên Xô đồng ý tham chiến chống Nhật Bản. Như sau này A. I.
An-tô-nốp, người tham gia hội nghị, đã thông báo cho tôi biết là Ru-dơ-ven
và Sớc-sin đã kiên trì yêu cầu Liên Xô nhanh chóng tham gia chiến tranh.
Kết quả của các cuộc thảo luận là ngày 11 tháng Hai năm 1945, ba cường
quốc đã ký kết Hiệp định, trong đó nêu rõ:
“Các nhà lãnh đạo của ba đại cường quốc Liên Xô, Mỹ và Anh thỏa
thuận rằng từ hai đến ba tháng sau khi nước Đức đầu hàng và chiến tranh ở
châu Âu kết thúc, thì Liên Xô sẽ đứng về phía các nước đồng minh để tham
chiến chống Nhật Bản”.
Đối với đoàn đại biểu Liên Xô, thời hạn như vậy không có gì là bất ngờ.
Ngay khi chuẩn bị để đi Crưm, I. V. Xta-lin đã đề nghị tôi và A. I. An-tô-
nốp suy nghĩ về khả năng rút ngắn tới mức tối đa thời gian cần thiết để
chuẩn bị chiến cục chống Nhật Bản. Sau khi thảo luận vấn đề này với tướng
A. V. Khơ-ru-li-ốp, chủ nhiệm Tổng cục hậu cần của Hồng quân, chúng tôi