LỜI BẠT
Để kết thúc cuốn sách này, tôi muốn phát biểu ý kiến về các cán bộ lãnh
đạo quân đội Liên Xô, về đặc điểm và phong cách cầm quân của họ. Tôi
nghĩ rằng toàn bộ nội dung cuốn sách đã đáp ứng được điều đó. Ở các
chương trước, tôi đã nói khá nhiều về các nhà chỉ huy quân sự ở cấp
phương diện quân và tập đoàn quân; về việc lãnh đạo bộ đội của họ, nhưng
phần nhiều tôi viết về họ khi họ có liên quan đến những chiến dịch nào đó
mà tôi đã cùng họ tham gia; về hoạt động của Đại bản doanh và của Bộ
Tổng tham mưu. Song, một số vấn đề chung có liên quan đến những nhà
cầm quân Liên Xô chưa được làm sáng rõ, mà những vấn đề đó, theo tôi
cũng có ý nghĩa nhất định.
Trước hết, xin nói một vài lời về khái niệm “nhà cầm quân”. Tôi cho
rằng quan điểm của các tài liệu lịch sử Liên Xô về khái niệm “nhà cầm
quân”, tức là những người chỉ huy quân sự ở cấp chiến dịch - chiến lược, là
rất đúng. Ý kiến là nên xếp vào hàng ngũ những nhà cầm quân các cán bộ
chỉ huy quân sự biểu hiện rõ nhất trên chiến trường tài nghệ quân sự của
mình, lòng dũng cảm và ý chí quyết thắng của mình, cũng là rất đúng
Có quan điểm cho rằng nhà cầm quân không phải là chức vụ cũng
không phải là quân hàm. Tôi không tán thành lối phân chia quá tách bạch
những khái niệm ấy, mặc dù chắc chắn là một người chỉ huy quân sự xứng
đáng được có danh hiệu nhà cầm quân thì không phải là do một mệnh lệnh
hay là do một quyết định nào cả.
Danh hiệu nhà cầm quân có đặc điểm riêng, nhưng nếu tách rời nó khỏi
chức vụ của người chỉ huy quân sự thì sẽ không đúng. Nếu người chỉ huy
quân sự không điều khiển những đơn vị tác chiến lớn thì người đó không
thể hy vọng được công nhận là nhà cầm quân Liên Xô. Danh hiệu nhà cầm